Ðặc sắc trống quân Ðức Bác

Ðặc sắc trống quân Ðức Bác

Quang Lộc - Hoàng Cúc

Xã Ðức Bác (Sông Lô, Vĩnh Phúc) từ lâu nổi tiếng với các làn điệu trống quân. Không chỉ duy trì bốn câu lạc bộ hát trống quân, với khoảng 200 người sinh hoạt đều đặn ở các thôn, người Ðức Bác còn học thêm các làn điệu hát giao duyên của Phương Khoan - một xã bên cạnh để làm giàu hơn truyền thống văn hóa lâu đời.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Phấn (làng Ðức Bác, xã Ðức Bác) chia sẻ, sông Lô chảy đến địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thì như nở rộng ra, hai bên bờ bãi ngô khoai, hoa màu quanh năm xanh biêng biếc. Sông làm nên mùa màng tươi tốt, giúp đời sống bà con yên bình, no ấm. Cũng bên sông, chúng tôi đã tích cực gìn giữ, truyền dạy các làn điệu hát trống quân cho người dân và thế hệ các em nhỏ để thêm nhiều người hiểu về văn hóa đặc sắc của quê hương.

Ông Phấn cũng cho biết, giai điệu của trống quân Ðức Bác có ba làn điệu đặc trưng là hát đón đào, hát mó cá và hát đúm. Cả ba được trình diễn tự nhiên. Sau mỗi khúc hát của đào hay kép đều được đệm bằng câu hát "kia hợi í a trống quân" với sự phân chia tuần tự, nhưng không đứt quãng giúp giai điệu giữ được nét mộc mạc, chứa chan tình cảm.

Theo tài liệu của UBND huyện Sông Lô, điểm độc đáo của hát trống quân Ðức Bác là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian vừa hát vừa múa. Trống quân Ðức Bác có những tiết tấu, nhịp điệu mang đặc trưng của vùng trung du Bắc Bộ, thường gắn với nhịp phách của trống nên nhịp điệu khá rõ ràng, mạch lạc, giống tiết tấu của trống hội và gắn liền với lễ hội cầu đinh tại đình làng Ðức Bác. Năm 2019, trống quân Ðức Bác đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chị Bùi Thị Thực, thành viên Câu lạc bộ Trống quân làng Ðức Bác chia sẻ: "Tôi đã tham gia hát trống quân hơn 20 năm, lúc đầu học thì có chút khó khăn. Nhưng rồi các làn điệu rất trữ tình và lôi cuốn nên các thành viên đã cố gắng tập được". Rồi chị hát thử một câu tâm tình: "Ði đâu từ sớm đến giờ/ Ðể cho anh đợi, anh chờ, anh mong"… "Bên em còn dở hội chùa/ Cho nên em phải sang trưa thế này".

Qua tìm hiểu, người Ðức Bác kết nghĩa với làng An Thái (Việt Trì, Phú Thọ) nổi tiếng với phường hát xoan. Xưa kia, trai gái hai bên thường tổ chức những buổi hát giao duyên vào mùa xuân, tạo không khí đoàn kết, tươi vui. Ðứng từ bên Ðức Bác, nhìn qua sông Lô sang bên kia là thấy làng, đồng điền của An Thái trù phú, bình yên. Những ngày dịch bệnh chưa hoành hành, các câu lạc bộ thường tổ chức sinh hoạt, tập luyện vào tối thứ bảy.

Ông Lê Quang Xưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Ðức Bác, huyện Sông Lô chia sẻ: "Ðức Bác nằm bên bờ sông Lô, với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cùng với nhiều di tích của huyện như tháp Bình Sơn, vườn cò Hải Lựu, núi Sáng, đã trở thành điểm du lịch, trải nghiệm hấp dẫn ở địa phương. Nhiều đoàn khách phương xa cũng đến tìm hiểu về trống quân Ðức Bác".

Nguồn: https://nhandan.vn/