Đặc sắc văn hoá hát ru của người Mường Thạch Thành

Đặc sắc văn hoá hát ru của người Mường Thạch Thành

HOÀNG MINH - THÀNH PHAN

Hát ru Mường là một trong những loại hình dân ca do dân gian sáng tác và trao truyền, mang sắc thái văn hóa riêng của đồng bào Mường, được diễn xướng bằng ngôn ngữ Mường và được đồng bào sử dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào qua bao đời nay.

Đằm thắm những lời ru

Thạch Thành là một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá, có đồng bào dân tộc Mường sinh sống khá đông đúc. Hát ru được xem là loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, thấm đẫm giá trị nhân văn, phản ánh đầy đủ những cung bậc cảm xúc, đời sống tinh thần của đồng bào Mường nơi đây. Hát ru Mường có 4 làn điệu khác nhau: u hạy, dạ ơi dạ óm, ru ngày, ru đêm. Người Mường ru con ban ngày một làn điệu khác và ru đêm bằng một làn điệu khác, còn làn điệu u hạy và dạ ơi dạ óm, họ thường dùng cả ban ngày lẫn ban đêm. Cả bốn làn điệu ru: u hạy, dạ ơi dạ óm, ru ngày, ru đêm của tộc Mường đều có giai điệu trữ tình, khoan thai, trìu mến, du dương liền bậc, ít khi nhảy quãng xa. Câu nhạc ngắn, các mô tip được lặp đi lặp lại nhiều lần, dễ thuộc, dễ nhớ. Lời ca trong hát ru mộc mạc, ngôn ngữ gần với đời thường, thể hiện ước mơ, mong muốn, hy vọng, gửi gắm tâm tư, tình cảm của người hát ru.

Những lời hát ru Mường gần gũi với cuộc sống thường ngày như những lời hỏi thăm. Đó còn là những lời căn dặn con: “Ngủ đi cho lâu cho lăm, cho tằm mẹ chín/ Để cho mẹ đi cấy ruộng Bái, đi gặt ruộng lang/ Bông vàng bông khang nhà lang chín đỏ/ Bông vỏ nhà lang chín xanh/ Bẻ một cành về nhà cho em chơi/ Không chơi gì cho bằng chơi bông”.

Những câu hát ru ngọt ngào, trữ tình, tái hiện cuộc sống chân thực qua những lời ru, chất chứa mỗi lời ru là tình thương yêu vô bờ bến người mẹ dành cho con. Làn điệu ru em bao gồm các bài hát đối, hát ví. Ru ún là loại hát ru con hấp dẫn và đặc sắc bởi những âm điệu, tiết tấu cùng với lời ca độc đáo, đậm chất thi ca. Đây là một trong những thể loại dân ca phổ biến của người Mường. Ru con thường mượn lời ca dao giãi bày ý nghĩa, tâm trạng của người mẹ muốn gửi gắm. Hát ru là điệu hát mà người già, người trẻ, nam hay nữ đều có thể hát được. Nó diễn ra cả ban ngày hay ban đêm. Những bài hát ru tiêu biểu như: “Mời trầu”, “Hát chúc nhau”, “Hát xin phép”, “Lời hẹn”, “Đập bông bông, đập bông bưởi”, “Lời ru trên võng”, “Mười thương, mười yêu”, ...

Hát ru dân tộc Mường là hình thức diễn xướng cộng đồng trong bối cảnh cuộc sống đời thường, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc, có tính giáo dục cao nhằm trao gửi yêu thương, trút bầu tâm sự và giáo dục, truyền dạy con cháu về đạo lý, đối nhân xử thế, lẽ sống ở đời... Do đó việc bảo tồn và phát huy giá trị hát ru Mường cần được quan tâm, chú trọng, đầu tư hơn nữa.

Những giá trị cần được bảo tồn

Hát ru Mường là bản sắc văn hóa riêng độc đáo của đồng bào dân tộc Mường đã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xưa kia, hát ru Mường trên vùng đất Thạch Thành vô cùng phổ biến. Nhưng theo thời gian, loại hình văn hóa dân gian này cũng đã bị mai một đi ít nhiều. Do tiếng Mường không có chữ viết nên việc lưu giữ những điệu hát ru Mường chủ yếu thông qua trí nhớ, hình thức truyền miệng. Trong khi đó, số lượng nghệ nhân còn nhớ các làn điệu hát ru ngày một ít đi. Công tác truyền dạy cũng chưa được thực hiện tốt do số lượng người theo học rất ít, thế hệ trẻ chưa nhận thức được những ý nghĩa to lớn của hát ru...

Để bảo tồn, phát huy giá trị hát ru Mường, năm 2014, UBND huyện Thạch Thành đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, tổ chức khảo sát bảo tồn, phát huy giá trị hát ru Mường trên địa bàn huyện. Bằng việc thông qua các nghệ nhân, người có uy tín trong bản làng để trao đổi, ghi chép, chụp ảnh, thu thập thông tin để lưu lại những tư liệu quý giá về hát ru Mường.

Từ những kết quả đạt được, sẽ là cơ sở để địa phương tổng hợp lại số lượng nghệ nhân hiện còn khả năng hát và truyền dạy hát ru trên địa bàn. Đồng thời, lên phương hướng thành lập các câu lạc bộ hát ru, hát dân ca Mường tại các xã, thị trấn mà nòng cốt là các hội viên hội phụ nữ, người cao tuổi; xây dựng các kế hoạch, đề án mở các lớp dạy hát ru để các nghệ nhân truyền đạt lại cho thế hệ trẻ... Sưu tầm, phục hồi và biên soạn lại các làn điệu hát ru Mường hiện còn tồn tại cũng như các bài hát ru Mường đã bị mai một nhằm in thành sách, phổ biến đến rộng rãi trong Nhân dân.

Cùng với đó, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị của hát ru Mường qua những việc làm thiết thực, hiệu quả như: Đưa các tiết mục hát ru Mường vào các chương trình, hội diễn văn hóa - văn nghệ, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng, xã nhằm khơi lại bản sắc văn hóa dân tộc; tổ chức thực hiện liên hoan hát ru Mường trên địa bàn huyện nhằm tạo cơ hội giao lưu rộng rãi cho tất cả các nghệ nhân hát ru ở các xã, thị trấn... Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mường nói riêng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.

Nguồn: https://baodansinh.vn/