LSÂN 5 - Âm nhạc thời kỳ Baroque

LSÂN 5 - Âm nhạc thời kỳ Baroque

Ngọc Anh

Âm nhạc thời kỳ Baroque là một phong cách âm nhạc phương Tây, được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1600 đến 1750. Nó nối tiếp Âm nhạc thời kỳ Phục Hưng và là giai đoạn trước Âm nhạc thời kỳ Cổ điển. Mốc thời gian chỉ là tương đối vì các vũ khúc Phục Hưng của Praetorius được viết vào năm 1612. Từ "Baroque" là tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là Ngọc trai xấu xí.

Trong bối cảnh các nền quân chủ ở châu Âu ganh đua quyết liệt, nhiều quân vương tuyển dụng các nhà soạn nhạc nhưng chỉ đặt họ vào vị thế ngang với kẻ hầu người hạ và có bổn phận phải viết nhạc mỗi khi triều đình cần. Tuy nhiên các nhà soạn nhạc lớn nhất của thời kỳ Baroque đã phá vỡ nền tảng âm nhạc cũ và tạo ra một phong cách âm nhạc hoàn toàn mới. Có hai xu hướng chính góp phần xác định âm nhạc thời kỳ Baroque: một là sự quan tâm nhiều hơn đến giọng hát solo; hai là sự nâng cao vị thế của các nhạc cụ và thể loại khí nhạc

Nhóm Florentine Camerata thảo luận, hướng dẫn các xu hướng trong nghệ thuật.

Các thể loại thanh nhạc mới: opera, cantata, oratorio

Vào cuối thế kỷ 16 khi nhạc phức điệu Phục Hưng còn thịnh hành thì một sự phát triển mới tại Ý đã bắt đầu có những phát kiến mới trong âm thanh và cấu trúc của âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ Ý không thích phong cách phức điệu của những Người Hà Lan thời kỳ trước. Các tác phẩm có ca từ dễ hiểu và một sự tác động qua lại của các giọng hát và nhạc cụ khác nhau. Thành viên của “Camerata tại Florence” tìm cách tạo ra một hình thức âm nhạc sân khấu có năng lực biểu đạt tương gần với bi kịch cổ Hy Lạp. Họ xem thường thể loại madrigal phức điệu nên tạo ra một thể loại mới là opera trong đó có sự kết hợp của âm nhạc, diễn xuất, cảnh trí, phục trang và đạo cụ.

Vở opera sớm nhất được lưu giữ trọn vẹn đến ngày nay là L’Euridice của Jacopo Peri (1561-1633), thành viên “Camerata tại Florence”.  L’Euridice kể về huyền thoại Orpheus và Eurydice, trong đó đoạn cuối được sửa đổi thành một kết thúc có hậu: Orpheus cứu được Eurydice thoát khỏi địa ngục. Các vở opera trong thời kỳ sơ khai chú trọng ca từ và coi nhẹ phần nhạc đệm. Nội tâm của nhân vật trong các vở opera tiến triển thành aria. Các aria trong một vở opera được tách bạch bằng đoạn recitative (hát nói).

Từ Florence, nghệ thuật opera lan tỏa ra các thành phố khác như Rome và Venice. Tại Venice, lần đầu tiên opera được công diễn có bán vé để mọi tầng lớp có thể vào xem. Năm 1637, Venice khai trương Teatro San Cassiano, nhà hát công cộng đầu tiên trên thế giới. Opera không còn là trò giải trí dành riêng cho giới quý tộc mà trở nên phổ cập với số lượng các vở tăng vọt. Tại Venice cũng xuất hiện một trong số những nhà cải cách opera vĩ đại trong lịch sử âm nhạc: Claudio Monteverdi (1567-1643) – cây cầu nối giữa hai thời kỳ Phục Hưng và Baroque. Nếu như Jacopo Peri chỉ là một nhạc sĩ-ca sĩ thì Monterverdi là một nhà soạn nhạc chuyên nghiệp. Ông là tác giả của L’Orfeo, vở opera sớm nhất mà ngày nay vẫn thường xuyên được biểu diễn. Dù lấy cảm hứng từ cùng một câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp nhưng so với L’Euridice của Peri, L’Orfeo của Monterverdi có những thay đổi mang tính lịch sử. Thay vì sử dụng các đàn lute, Monterverdi đã mở rộng biên chế dàn nhạc bằng việc dùng các đàn dây, harpsichord, organ, trumpet, recorder... khiến phần nhạc của opera trở nên giàu màu sắc và có tính tương phản rõ nét. Monterverdi cũng mở đầu opera bằng một đoạn nhạc ngắn, tiền thân của overture3 sau này. Ông cũng tạo cho những nhân vật sự khác biệt bằng những nét nhạc đặc thù. Recitative trong vở opera này không chỉ truyền tải nội dung ca từ mà còn thể hiện ý nghĩa của ca từ, khắc họa diễn biến nội tâm sâu sắc của nhân vật.

Đến cuối thế kỉ 17 đầu thế kỉ 18, trung tâm opera Ý chuyển từ Venice sang Naples và nhà soạn nhạc tiêu biểu nhất giai đoạn này là  Alessandro Scarlatti  (1660-1725), người đã phát triển hình thức aria da capo và định hình cho overture kiểu Ý theo hình thức nhanh-chậm-nhanh, tiền đề cho sự ra đời của thể loại giao hưởng sau này. Tại Pháp, Đức và Anh cũng xuất hiện các tác giả opera tiêu biểu như: Jean-Baptiste Lully (1632-1687), Jean Philippe Rameau (1683-1764), Heinrich Schütz (1582-1672), Reinhard Keiser (1674-1739), Georg Philipp Telemann (1681-1767), Henry Purcell (1659-1695), George Frideric Handel (1685-1759).

Xuất hiện gần như cùng thời điểm với thể loại opera là các thể loại cantata và oratorio (thanh xướng kịch). Cấu trúc của ba thể loại này có nhiều nét tương đồng, cũng sử dụng aria, hát nói, dàn nhạc... So với cantata, khuôn khổ của oratorio lớn hơn, tính kịch và chủ đề được phát triển rộng hơn. So với opera, ngoài nội dung tôn giáo, oratorio có lời ca mang tính suy tư và tường thuật hơn và đặc biệt là có sự nhấn mạnh vào các hợp xướng. Oratorio thường dùng để miêu tả một câu chuyện kịch nhưng khác với một vở opera là nó không có các hành động kịch, không dùng phục trang biểu diễn và trang trí sân khấu.

Sự phát triển của khí nhạc

Khí nhạc trở nên ngày càng nổi bật trong thế kỉ 17, thường ở hình thức một tác phẩm đối âm liên tục mà không có sự phân chia rành mạch thành các đoạn hay chương nhạc; nó mang những cái tên như ricercare, fantasia và fancy. Phong cách sáng tác thứ hai là tạo nên các đoạn tương phản, thường ở các kết cấu vừa cùng chủ điệu vừa đối âm; phong cách này được biết đến như là canzona hoặc sonata. Nhiều tác phẩm khí nhạc được dựa trên một giai điệu hay bè trầm đã có sẵn; chúng gồm chủ đề và các biến tấu, passacaglia, chaconne và chorale prelude. Các tác phẩm theo nhịp vũ khúc thường được hợp nhóm thành các tổ khúc (suite). Cuối cùng, các nhà soạn nhạc phát triển các tác phẩm theo các phong cách ứng tác viết cho các đàn phím; các tác phẩm này gọi là prelude, toccata và fantasia.

Một cải cách quan trọng khác trong thế kỉ 17 đã biến đổi phong cách lỏng lẻo của âm nhạc cuối thời Phục Hưng thành một phong cách được đặc trưng bởi nhiều yếu tố tương phản. Phong cách này được biết đến với những cái tên khác nhau như concertato, concertate và concerto, vốn cùng xuất phát từ concertare (tiếng Latinh nghĩa là “sát cánh chiến đấu”). Sự tương phản xảy ra ở nhiều mức độ âm nhạc, chẳng hạn như tương phản nhạc cụ hay tương phản mật độ âm thanh (một nhạc cụ độc tấu đối đáp với một nhóm nhạc cụ), tương phản tốc độ và tương phản mức độ âm lượng. Các đặc tính tương phản này được tạo ra nhằm dựng lên một phong cách âm nhạc năng nổ, sôi nổi được áp dụng với âm nhạc viết cho mọi nhạc cụ cũng như giọng hát và được dùng trong mọi hình thức và thể loại.

Đến cuối thế kỉ 17, hệ thống các liên hệ về mặt hòa âm gọi là “điệu thức” bắt đầu thống trị âm nhạc. Đến đầu thế kỉ 18, các nhà soạn đã làm chủ được những quy tắc bắt buộc phức tạp về điệu thức, tiêu biểu như Johann Sebastian Bach (1685-1750) và George Frideric Handel (1685-1759), hai nhà soạn nhạc lớn người Đức cuối thời Baroque.

Tổng hợp:

https://tiasang.com.vn/-van-hoa/Thoi-ky-Baroque-9855

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%82m_nh%E1%BA%A1c_th%E1%BB%9Di_k%E1%BB%B3_Baroque