Quyền tác giả âm nhạc cần được bảo vệ

Quyền tác giả âm nhạc cần được bảo vệ

Minh Anh

Với gần 4.600 chủ sở sữu tác phẩm trong nước và khoảng 3 triệu tác giả nước ngoài ủy quyền cho VCPMC, vấn đề bán độc quyền hoặc chuyển nhượng sẽ xẩy ra thường xuyên, đặc biệt là tình trạng bán độc quyền cho các nhà sản xuất, ca sĩ.

Lạm dụng những kẽ hở pháp lý, nhiều tổ chức, cá nhân đã biến mục đích phổ biến tác phẩm âm nhạc nhằm phục vụ triệt để cho mục đích kinh doanh; khiến tác giả không chỉ thiệt thòi về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và sức sáng tạo. Thậm chí có tác giả, do sơ suất trong ký kết hợp đồng đã dẫn tới việc quyền tác giả bị vô hiệu hoá... Tuy nhiên, nhờ ứng dụng công nghệ số, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã có những tương tác kịp thời, xử lý nhanh chóng sự việc ngay khi quyền tác giả âm nhạc được phát hiện vi phạm và thu về hơn 150 tỷ đồng trong năm 2020.

Quyền tác giả âm nhạc bị xâm phạm

Theo phản ánh của nhiều nhạc sĩ, hiện tượng vi phạm quyền tác giả diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Cụ thể, tác giả Lê Thanh Văn, tên thật Nguyễn Anh Hoàng cho biết: “Bài hát Ơn Thầy! Thầy của chúng em, được ông sáng tác vào năm 1978, lấy bút danh là Lê Thanh Văn. Bài hát ngay sau đó đã được Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vàng trong phong trào văn nghệ của ngành. Từ đó, bài hát được lan toả và biểu diễn thường xuyên trong nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ ở các trường trong cả nước và phổ biến qua sóng của các Đài Phát thanh, Truyền hình. Kể từ khi ra đời đến nay, bài hát Ơn Thầy! Thầy của chúng em luôn nằm trong Top các bài hát hay nhất về thầy cô, được trình diễn nhiều nơi. Tuy nhiên, điều làm tác giả Lê  Thanh Văn thấy buồn là đa phần các bản  ghi hay video trên nền tảng internet đều  chưa đúng nhạc, chưa đúng lời, không đề  tên tác giả hoặc đề nhầm tên tác giả...” Căn cứ quy định về quyền nhân thân  tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ, Tác giả Lê  Thanh Văn có quyền “Đứng tên thật hoặc  bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật  hoặc bút danh khi tác phẩm được công  bố, sử dụng”, “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác  phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt  xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ  hình thức nào gây phương hại đến danh dự  và uy tín của tác giả”; Căn cứ quy định về  quyền tài sản tại Điều 20 Luật Sở hữu trí  tuệ, các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử  dụng tác phẩm phải thực hiện “xin phép và  trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật  chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”  Mặc dù pháp luật Việt Nam hiện hành  về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về  bảo hộ quyền tác giả trong các điều ước  quốc tế, mà Việt Nam là thành viên cũng  như yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, song  tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong  môi trường Internet đang ở mức báo động.  Các hành vi từ xâm phạm quyền tài sản, quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm, đến quyền nhân thân như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm… diễn ra tràn lan.

Ban Tổng Giám đốc VCPMC và bộ phận Pháp chế làm việc tại chi nhánh phía Nam

Theo phản ánh của một số nhạc sĩ - chủ sở hữu tác phẩm cho phép cá nhân (là ca sĩ), hoặc tổ chức kinh doanh âm nhạc trên các nền tảng trực tuyến... được phép thu thanh, thu hình và truyền tải tác phẩm lên các trang mạng với mục đích phổ biến đến công chúng. Tuy nhiên, các cá nhân/ tổ chức này đã lạm dụng, biến mục đích phổ biến tác phẩm phục vụ triệt để cho việc kinh doanh: khai thác, thu tiền trên nền tảng Youtube để thu lợi nhuận, đồng thời vô hiệu hoá quyền tác giả, khiến nhạc sĩ vô cùng thiệt thòi.

 

Bức xúc trước tình trạng xâm phạm quyền tác giả, một số nhạc sĩ thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Bài hát cần có đời sống, vì thế các cá nhân/ tổ chức sử dụng tác phẩm vào mục đích lan tỏa, phi lợi nhuận, nhưng không có nghĩa là dùng miễn phí khi khai thác vì mục đích thương mại. Khi đã kinh doanh, nghĩa là sản phẩm đem lại quyền lợi vật chất, thì quyền tác giả được kích hoạt và việc phải trả phí tác quyền là đương nhiên”.

Tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn cũng diễn biến khá phức tạp. Theo bộ phận pháp chế của Trung tâm, hiện có 140 chương trình vi phạm quyền tác giả. Trong số  các vụ kiện do VCPMC tiến hành trong năm  2020 thì có 8 vụ liên quan tới biểu diễn, thắng  kiện 01 vụ (VCPMC khởi kiện Cty TNHH  Multimedia Ngọc Việt tổ chức chương  trình biểu diễn “Để nhớ một thời ta đã yêu  6 - Một thuở yêu người” tại Nhà hát Hòa  Bình - TP.HCM, TAND Hà Nội xét xử ngày  17/09/2020 tuyên VCPMC thắng kiện, bản  án đã có hiệu lực pháp luật); 05 vụ VCPMC  rút đơn khởi kiện do bị đơn khắc phục một  phần vi phạm hoặc bị đơn ngừng hoạt động;  08 vụ đang trong tiến trình tố tụng.

Cùng với việc khởi kiện, Trung tâm  đã giải quyết thành công nhiều trường  hợp vi phạm bản quyền,như việc: nhạc  sĩ Tôn Thất Lập đề nghị gỡ bỏ 1 video  trên YouTube do sử dụng bài hát Oẳn tù tì khi chưa có sự cho phép của ông; nhạc  sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị gỡ bỏ clip quảng cáo vi phạm bản quyền bài hát Xúc  xắc xúc xẻ; nhạc sĩ Lương Bằng Quang  đề nghị một thương hiệu bồi thường vì sử dụng tác phẩm Tung bay của anh trong  video quảng cáo và đề nghị nhóm Mặt  trời đỏ xin lỗi tác giả vì sử dụng Dáng  tiên xuân ngời không xin phép. Tác giả Chu Công Cương đề nghị gỡ bỏ 4 video vi phạm trên YouTube sử dụng tác phẩm Biển đảo Tổ quốc em

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít đơn vị vi phạm tìm cách né tránh, trì hoãn hoặc không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm, thiệt hại và không được tôn trọng, gây nên nhiều bức xúc cho các tác giả.

Các nhạc sĩ, tác giả thành viên gặp mặt tại Lễ tổng kết hoạt động của VCPMC năm 2020

Với gần 4.600 chủ sở sữu tác phẩm trong nước và khoảng 3 triệu tác giả nước ngoài ủy quyền cho VCPMC, vấn đề bán độc quyền hoặc chuyển nhượng sẽ xẩy ra thường thường xuyên, đặc biệt là tình trạng bán độc quyền cho các nhà sản xuất, ca sĩ. Vì vậy, VCPMC đang kiểm soát và tư vấn cho tác giả để tránh gặp rủi ro về mặt pháp lý. Đại diện bộ phận pháp chế của Trung tâm cho biết: “Thực tiễn có nhiều nhạc sĩ do chưa nắm rõ thủ tục pháp lý khi ký kết nên gặp phải tình huống không như mong muốn. Trung tâm đang tập trung hỗ trợ pháp lý, tránh hiện tượng nhầm lẫn, không trung thực “tình ngay lý gian” hoặc cố tình lừa dối, làm sai lệch trong giao dịch dân sự, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả - chủ sở hữu tác phẩm. Trong trường hợp tác giả vẫn muốn bán độc quyền thì VCPMC sẽ hỗ trợ tư vấn, đàm phán, bảo đảm phạm vi, thời hạn độc quyền cũng như giá trị độc quyền tốt nhất. Vì vậy, các nhạc sĩ khi có nhu cầu chuyển nhượng hoặc bán độc quyền, hãy liên hệ với VCPMC để được các luật sư hỗ trợ và cung cấp các mẩu hợp đồng độc quyền, chuyển nhượng nhằm giảm thiệt hại cho các tác giả mà không tốn bất kỳ chi phí nào”.

Quyền tác giả thời công nghệ 4.0 cần được tôn trọng

Cho đến nay, VCPMC đã ký thỏa thuận và hợp tác song phương với 81 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản, với phạm vi áp dụng tại gần 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; Tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc), thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne mà Việt Nam là thành viên. 

Nạn xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường mà nổi cộm cùng với vi phạm trên nền tảng công nghệ số còn là muôn hình vạn trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực biểu diễn, tổ chức biểu diễn. Hầu hết các đơn vị đều tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, dẫn đến việc quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm, thiệt hại và không được tôn trọng, gây nên nhiều bức xúc trong dư luận. 

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, với trách nhiệm của một tổ chức bảo vệ tâp thể quyền tác giả âm nhạc, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã và đang có những nỗ lực vượt trội nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển và hội nhập quốc tế, thực thi sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc.

Trung tâm đã và đang triển khai đồng bộ các hệ thống phần mềm mà các Tổ chức Tập thể quyền trên thế giới cùng sử dụng, để đảm bảo tính tương tác cao. Với phần mềm Mis@Asia có các chức năng chính như: tạo các tác phẩm mới, tra cứu, đối soát, phân phối… đã được tổ chức Compass (Singapore) thuê Công ty công nghệ Netreach (Ấn Độ) viết và phát triển.  Dữ liệu của phần mềm này được đồng bộ hóa từ nhiều tổ chức trên thế giới và hiện phần mềm này được 4 nước dùng chung là: Singapore, Phillipines, Thailand và Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung tâm còn kết hợp các phần mềm do Công ty cổ phần giải pháp công nghệ và truyền thông Aibiz Việt Nam sáng tạo, ghi nhận và lưu trữ tác phẩm âm nhạc được phát trên 209 kênh sóng phát thanh và truyền hình và trên youtube. 

Năm 2020, mặc dù dịch bệnh kéo dài, gây khó khăn trên các lĩnh vực, nhưng VCPMC cũng đã đàm phán thành công với Google, Youtube, Facebook với những thỏa thuận về quyền tác giả, quyền liên quan, mang lại những giá trị to lớn về nhiều mặt trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên nền tảng công nghệ số. Con số hơn 150 tỷ đồng cho thấy những nỗ lực vượt trội của VCPMC trong năm 2020, tiếp tục mang lại niềm tin cho VCPMC vững tin bước tiếp và hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập với nhiều dự cảm tốt lành.  Những nỗ lực của Trung tâm cũng sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy sáng tạo cho các tác giả - chủ sở hữu tác phẩm - thành viên của VCPMC.

“Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là một thách thức trong thời đại công nghệ số. Cùng với nỗ lực về mọi phương diện của Trung tâm, cũng rất cần sự chung sức của các tác giả thành viên, người sở hữu tác phẩm tăng cường khả năng bảo vệ tác phẩm của mình, đòi hỏi những người thụ hưởng, sử dụng âm nhạc cần phải hiểu và thực thi quyền tác giả và quyền liên quan một cách nghiêm túc. Chỉ có như vậy, nền âm nhạc Việt Nam mới ngày một phát triển văn minh hơn”.

Nguồn: vanhoaphattrien.vn