Tác giả: Lê Hải Đăng
Năm 2020 đánh dấu sự kiện ca khúc Happy new year vừa tròn 40 tuổi. Đây có lẽ là một trong những ca khúc nổi tiếng của ban nhạc ABBA phổ biến nhất trên thế giới. Nhờ tập quán văn hóa mà Happy new year thường xuyên xuất hiện vào dịp lễ Noel, đầu năm mới. Thế hệ tôi lớn lên cùng Happy new year. Dù khác nhau về văn hóa, nhưng ca khúc này vẫn giành được sự yêu thích của người nghe nhạc trở thành một ca khúc ngoại quốc có tần suất xuất hiện cao nhất mỗi dịp tết.
Ca khúc Happy new year có cấu trúc cân phương, viết theo hình thức 2 đoạn đơn (a-b), ngoài ra tác phẩm còn có một đoạn dạo nhạc (Intro), đồng thời được lấy làm kết (Coda). Sinh ra trong thời kỳ vàng son của nhạc Disco, nhưng Happy new year lại chọn nhạc Ballad làm âm hưởng chủ đạo với tính chất nhẹ nhàng, bình yên, chứa đựng nhiều cảm xúc, đan xen cả niềm vui lẫn nỗi buồn, một đặc trưng điển hình vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Dạo nhạc (Intro)
Ca khúc mở đầu bằng một đoạn dạo nhạc có cấu trúc đơn giản. Hạt nhân của nó là một motip, gồm ba âm, trong đó, âm đầu dịch chuyển đi xuống và đi lên liền bậc trong phạm vi quãng 4, âm thứ ba dường như đứng yên, bất động thông qua thủ pháp trì tục. Còn bè trầm (bass) cả đoạn nhạc dạo chủ yếu gồm hai âm (bậc I và bậc V) tạo thành một nền hòa thanh ổn định đem lại cảm giác nhẹ nhàng, bình yên, phảng phất bầu không gian tĩnh lặng, êm đềm, nhẹ tựa dòng thời gian trôi.
Ví dụ:
Mặc dù đã có nhiều phiên bản phối khí ra đời, song người phối khí đa số vẫn bảo lưu nét nhạc dạo giản dị, hết sức đặc biệt này. Nó cho thấy những khía cạnh độc đáo, kỳ diệu ẩn trong sản phẩm sáng tạo bất chấp thời trang, phong cách âm nhạc có thay đổi.
Happy near year là một ca khúc thiên về tính chất giai điệu, chứ không phải tiết tấu như nhiều tác phẩm viết về năm mới. Giai điệu của tác phẩm chủ yếu phát triển theo lối tiến hành liền bậc, một hình thái đặc trưng trong âm nhạc nhà thờ, giống như bản “Canon” nổi tiếng của nhà soạn nhạc Johann Pachelbel. Nhờ hình thái giai điệu chủ yếu tiến hành liền bậc đi kèm với bước nhảy đan xen, nên toàn bộ tác phẩm toát lên vẻ bình ổn, quán xuyến từ đầu tới cuối. Ngay cả bước nhảy cũng được xử lý một cách khéo léo thông qua việc lựa chọn âm tựa (những âm ổn định trong cùng một hợp âm), một thủ pháp chuyển êm, không gây xung đột, từ đó tạo nên sự ổn định chung.
Đoạn a
Đoạn a mở đầu bằng một phách lấy đà có dạng chùm 3. Nó mở ra đường tuyến giai điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, trong đó đáng chú ý có sự xuất hiện của hợp âm giảm nhằm phác họa bầu không khí ảm đạm, tương phản với điệp khúc.
Ví dụ:
No more champagne (Không còn rượu sâm panh)
And the fireworks are through (và pháo hoa cũng đã tắt)
Here we are me and you feeling lost and feeling blue
(Chúng ta đây, em và anh cảm thấy lạc lõng và buồn bã)
It’s the end of the party (Bữa tiệc đã tàn rồi)
And the morning seems so grey (Và bình minh vẫn còn ảm đạm)
So unllike yesterday (Thật chẳng giống như ngày hôm qua)
Now the time for us to say… (Giờ đến lúc chúng ta nói…)
Lời ca trên vẽ lên bầu không gian ảm đạm, nhân vật chính trong trạng thái cô đơn, một hình ảnh tương phản với không khí mừng năm mới.
Rõ ràng, Happy new year đem tới cảm giác vừa hân hoan, vừa đượm buồn, điều khiến cho người ta nuối tiếc thời gian đã qua, nhớ về dĩ vãng mỗi khi nghe ca khúc này. Nói về lời ca, tuy không phải lợi thế của tác phẩm sau khi xâm nhập nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng nó vẫn đủ sức hấp dẫn nhờ các phiên bản dịch nghĩa, cải biên lời, đồng thời thông qua âm nhạc nhằm chuyển tải ý tưởng chung. Happy near year có ba lời với bố cục chặt chẽ, phân chia không gian theo thời gian, đặc biệt có khả năng tạo miền không gian giả tưởng cho tâm hồn con người trú ngụ. Cả ba lời của ca khúc đều tập trung ở phần mở đầu (a). Nó có tác dụng vẽ lên bầu không gian đa chiều, đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Đoạn b (Điệp khúc)
Điệp khúc của bài tập trung phản ánh không gian, thời gian hiện tại. Nó chính là hình ảnh phóng dụ của năm mới. Giai điệu ở đây được đẩy lên cao, sử dụng thủ pháp đảo phách tạo điểm nhấn cho đường tuyến giai điệu. Mọi tích tụ, dồn nén, bùng nổ đều nằm trọn ở đoạn nhạc này. Song, phần điệp khúc không gây không khí căng thẳng hay kịch tính như thường gặp ở âm nhạc cổ điển, mà tạo nên sự chuyển động nhịp nhàng, đem tới không khí vui tươi, hân hoan mừng năm mới. Các quãng nhảy xuất hiện trong phần điệp khúc đều sử dụng quãng thuận, đồng thời thực hiện thông qua âm tựa của từng hợp âm.
Ví dụ:
Happy new year (Chúc mừng năm mới)
Happy new year (Chúc mừng năm mới)
May we all have a vision now and then (Mong cho chúng ta có một tầm nhìn trong hiện tại và tương lai)
Of the world where every neghhbour is a friend (của thế giới nơi những người hàng xóm đều là bạn)
Happy new year (Chúc mừng năm mới)
Happy new year (Chúc mừng năm mới)
May we all have our hopes our will to try (Mong chúng ta có niềm hy vọng, chúng ta sẽ cố gắng)
If we don’t we might as well lay down and die (Nếu không chúng ta sẽ gục ngã và chết)
You and I (hỡi bạn và tôi)
Mặc dù là một ca khúc mừng năm mới, nhưng Happy new year phảng phất niềm vui chen lẫn nỗi buồn. Vẻ đượm buồn ấy được giấu cẩn thận trong điệu tính trưởng, thể hiện sự tương phản giữa bên trong và bên ngoài, tâm cảnh và ngoại cảnh. Xuôi theo dòng âm thanh êm đềm, mềm mại, cảm xúc người nghe được nhóm lên, khao khát, mong chờ...
Happy new year đạt đến sự hoàn hảo, kết hợp hài hòa giữa giai điệu, lời ca, hòa thanh, phối khí, giọng ca, ban nhạc. Các thủ pháp giai điệu, hòa âm (căn cứ vào tổng phổ viết cho đàn piano và giai điệu của ban nhạc ABBA) đa số tiến hành theo lối liền bậc, một thủ pháp đặc trưng trong âm nhạc nhà thờ. Bởi vậy, dù ca khúc dàn trải, kéo dài qua ba lời với phần điệp khúc phát triển theo hướng mở rộng (âm vực), nhưng câu, đoạn nhạc nối tiếp nhau một cách liền mạch, khiến cho toàn bộ tác phẩm gắn kết chặt chẽ, hòa quyện.
Phần Intro cũng được lấy làm đoạn nhạc kết. Giữa hai thời điểm mở đầu và kết thúc tạo nên một trục chia đôi dòng thời gian ra trước và sau (năm mới). Nói cách khác, tác phẩm đã mở ra - khép lại thông qua một “cánh cửa”, đó chính là thời gian.
Lại một năm mới sắp đến và đương qua. Chúng ta sinh ra, lớn lên, già đi theo sự chuyển động không ngừng của dòng thời gian lặng lẽ. Xét về cảm quan, năm mới không chỉ có niềm vui mà còn có cả nỗi buồn, niềm nuối tiếc những gì đã qua. Happy new year đã thể hiện rõ đặc trưng này và chạm vào trái tim người nghe mỗi khi giai điệu vang lên. Thời gian qua đi, tác phẩm tiếp tục tạo nên đường liên kết gắn quá khứ với hiện tại. Khi một ca khúc trở thành ký ức, kỷ niệm, đến lượt kinh nghiệm thẩm mỹ phát huy tác dụng tác động vào cảm nhận của người tiếp xúc. Bởi vậy, âm nhạc không chỉ thỏa mãn nhu cầu thực tại mà còn đưa con người trở về quá khứ. Thông qua lăng kính thẩm mỹ, người nghe dịch chuyển sâu hơn vào vùng ký ức nhằm tạo nên ý nghĩa, giá trị cho tác phẩm. Happy new year đã trở thành một phần của kỷ niệm, mỗi khi nghe ca khúc, những hình ảnh, âm thanh của ngày xưa lại ùa về, đẹp đẽ, vẹn nguyên và đượm buồn.
Nguồn: https://hoinhacsi.vn/