Ly rượu mừng

Ly rượu mừng

Ly rượu mừng là một trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, sáng tác năm 1952. Ở miền Nam Việt Nam trước 1975, bài này luôn được nghe tới trong dịp tết. Bài hát này có âm điệu rộn ràng, tươi vui như một thông điệp, một lời chúc tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc, tới mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội.

Nội dung

Ly rượu mừng là ca khúc mừng xuân với những lời chúc Tết tới mọi người được hạnh phúc ấm no trong cảnh đất nước thanh bình tự do. Bài hát được viết với điệu nhạc Valse, đem lại nét vui tươi sống động trong mùa Xuân. Giai điệu valse và tiết tấu có nhiều khía cạnh linh hoạt theo nội dung, rất thích hợp cho hợp ca hoặc phối hợp giữa hợp ca và đơn ca.

Trong Ly rượu mừng không chỉ có mùa xuân, tình xuân mà còn có cả khao khát từ ngàn đời: “Bạn hỡi, vang lên, lời ước thiêng liêng. Chúc non sông hòa bình, hòa bình. Ngày máu xương thôi tuôn rơi. Ngày ấy quê hương yên vui, đợi anh về trong chén tình đầy vơi...”.

Và mùa xuân trong Ly rượu mừng không bỏ quên một ai! Có lời chúc “Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó...”. Có lời chúc dành cho người mẹ già mong tin con, cho đôi uyên ương vừa xây tổ ấm...

Có lẽ vì thế từ khi ra mắt đến nay, Ly rượu mừng đã được nhiều người xem là ca khúc xuân kinh điển, đủ đầy tình cảm, trọn vẹn yêu thương và những điều tốt đẹp mà người người mong mỏi mỗi dịp tết đến xuân về, dù cho cả ca khúc không hề nhắc đến pháo đỏ, mứt hồng, bánh chưng, bánh tét...

Ly Rượu Mừng | Tốp Ca | Sáng tác: Phạm Đình Chương

Lịch sử

Ly rượu mừng đánh dấu một mốc về biểu diễn trong lịch sử âm nhạc nước ta. Nói đến Ly rượu mừng là nói đến ban hợp ca Thăng Long, ban hợp ca nổi tiếng nhất Sài Gòn. Ban hợp ca gồm 5 người: nhạc sĩ Phạm Đình Chương, bà Khánh Ngọc vợ ông, bà Thái Hằng vợ nhạc sĩ Phạm Duy, bà Thái Thanh và ông Phạm Đình Viêm. “Đây là một ban hát tiên phong những năm 1950. Với Ly rượu mừng lần đầu tiên có hát hợp ca, còn trước đó không hề có”, theo nhà báo Nguyên Minh. Từ đó, bản nhạc này luôn được hát trong những ngày đón xuân cho tới năm 1975 và cả sau đó ở hải ngoại. Sau năm 1975, nhà nước Việt Nam không cho phép phổ biến bài hát này. Đến đầu năm 2016, Cục nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Việt Nam) mới cấp phép cho Phương Nam Film được phổ biến ca khúc Ly rượu mừng trên toàn Việt Nam. Nhân dịp này, Phương Nam Film (PNF) phát hành CD Hợp tuyển Xuân chọn lọc với chủ đề Ly rượu mừng cho xuân Bính Thân 2016. Hai ca sĩ Quang Dũng, Phạm Thu Hà được chọn để thể hiện lại ca khúc trong lần ra mắt trở lại này. Ca sĩ Đức Tuấn cũng phát hành một video ghi hình trong phòng thu âm. Đặc biệt Kiwi Ngô Mai Trang tung ra trên YouTube bản video Ly Rượu Mừng được quay rất công phu với bối cảnh mùa xuân trong rừng hoa mận trắng và hoa cải trắng.

Ly rượu mừng - Phạm Đình Chương - Ban hợp ca Thăng Long

Lý do cấm

Ca khúc được chọn kết thúc chương trình giai điệu tự hào tối 31.12.2016 đã khiến nhiều thành viên hội đồng bình luận xúc động. “Ly rượu mừng là ly rượu quá xứng đáng để tiễn một năm cũ đi”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.

Một trong những lý do để ly rượu đó gây xúc động đến thế chính là nó đã từng bị cấm hát trong suốt 40 năm. Trong khi, trước lệnh cấm, theo nhà báo Nguyên Minh, đó là bài hát cực kỳ phổ biến ở miền Nam. Ca khúc phổ biến đến mức, cứ có xuân là phải có Ly rượu mừng. “Bài hát có những câu như bài vè. Nó nhắc và quy tụ hầu hết tầng lớp dân cư. Có anh nông phu lúa thơm hơi, người thương gia lợi tích, người công nhân ấm no, người binh sĩ lên đàng”, nhà báo chuyên mảng âm nhạc này nói.

Cũng theo nhà báo Nguyên Minh, chính việc nhắc tới người lính, tới từ “đời lính”, “binh sĩ” mà bài hát này đã không được hát suốt 40 năm. “Chính yếu tố người lính làm bài hát không được hát trở lại. Người lính là người lính nào?”, ông chia sẻ.

Hội đồng bình luận đều xúc động trước Ly rượu mừng

ẢNH BTC CUNG CẤP

Ông Nguyên Minh cũng cho biết, sau này khi Phương Nam phim muốn ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016. “Đó là bài hát về người lính chống Pháp. Bài hát cuối cùng đã được giải oan”, ông Minh nói.

Cảm xúc mùa xuân có lẽ mỗi năm một khác biệt, nhưng những ký ức, hình ảnh và hương vị tết quê hương thì không có gì khác biệt, bởi Ly rượu mừng lại được cất lên, “rót đầy” những khoảng trống bằng giai điệu valse tươi vui, sống động, dù ai có đi ngược về xuôi...

 

Nhận xét

Nhà thơ Du Tử Lê từng viết: “Tôi muốn gọi 'Ly rượu mừng' là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất 'kinh điển' hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình".

Báo mạng Công an TPHCM cho là: "Ca khúc với âm điệu rộn ràng, tươi vui như một thông điệp, một lời chúc tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc, tới mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội."

Báo Tuổi Trẻ viết: "Trong Ly rượu mừng không chỉ có mùa xuân, tình xuân mà còn có cả khao khát từ ngàn đời: Bạn hỡi, vang lên, lời ước thiêng liêng. Chúc non sông hòa bình, hòa bình. Ngày máu xương thôi tuôn rơi. Ngày ấy quê hương yên vui, đợi anh về trong chén tình đầy vơi.”

Nguồn: Tổng hợp từ internet