Làn điệu chèo được đưa vào nhạc giao hưởng

Làn điệu chèo được đưa vào nhạc giao hưởng

Anh Thư

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đưa nhiều làn điệu chèo vào tác phẩm giao hưởng, nhận sự hưởng ứng của người nghe.

"Vũ điệu chèo và lên đồng" của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, nhạc trưởng Ba Lan Wojciech Czepiel chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội hơn 70 người, tối 12/11.
Video: Anh Thư

Hàng trăm khán giả ở Phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dành tràng vỗ tay dài tán thưởng màn trình diễn của dàn nhạc với tác phẩm Vũ điệu chèo và lên đồng. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đưa nhiều làn điệu như Con gà rừng, Xẩm xoan, Cách cú, Hề mồi, Bình thảo, Lưu không trong chèo hay làn điệu chầu văn dọc, cờn, xá vào bản nhạc. Đặng Hữu Phúc sử dụng nhạc cụ là trống đế, mõ chùa bên cạnh violin, viola, cello, kèn... tạo nên những thanh âm thuần Việt trong một thể thức phương Tây là nhạc giao hưởng. Có những đoạn, tiếng mõ vang lên gợi người nghe liên tưởng đến vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính.

Nhạc sĩ cho biết ông yêu thích và nghiên cứu chèo từ lâu, thấu hiểu tinh thần của loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền này. Khác dân ca thường buồn, những làn điệu chèo mang sự vui tươi, lạc quan và cũng có những đoạn trữ tình. Tác phẩm Vũ điệu chèo và lên đồng khi được dàn nhạc giao hưởng chơi tạo nên không khí rộn ràng của ngày hội. Ông muốn đưa người nghe trở về không gian sân đình ở làng quê Bắc bộ xưa, nơi mỗi làng thường có một chiếu chèo nên dân gian mới có câu "Ăn no rồi lại nằm khoèo, nghe giục trống chèo bế bụng đi xem".

Tuy nhiên, nhạc sĩ cho rằng nếu chỉ lặp lại cách thể hiện truyền thống, khán giả thế giới sẽ khó tiếp cận. Vì thế, ông đưa vào sáng tác cho dàn giao hưởng, tạo nên một tác phẩm hình thức phương Tây nhưng mang đậm tinh thần Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết rung động khi nghe tác phẩm bằng cảm quan của một nhà thơ. Ông cảm nhận được tinh thần lễ hội với mùa màng thôn quê và cả nhịp điệu tươi mới của thành phố. Ông nói: "Đặng Hữu Phúc thấu hiểu nghệ thuật chèo, âm nhạc và tất cả khúc thức trong chèo, đồng thời kết hợp với nhạc phương Tây, mở ra một sân khấu, không gian, giai điệu hoàn toàn mới. Nghe phần trình diễn, trái tim tôi rung lên hai nhịp điệu, một của chèo cổ trên sân khấu truyền thống xa xưa ở làng quê thời chưa có điện phải dùng đèn măng-sông để xem, với những người dân quê diễn chèo, và nhịp điệu khác là của chèo trong tư duy âm nhạc hiện đại".

Nguyễn Quang Thiều cho biết ông từng nghe nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chơi piano ngẫu hứng bài dân ca Việt Nam ở Mỹ, nay lại chứng kiến Đặng Hữu Phúc làm điều tương tự. "Tôi nhìn thấy khía cạnh khác của những giá trị âm nhạc truyền thống, gợi mở cho việc sáng tác của chúng ta - làm sao vẫn giữ bản sắc một cách thuần khiết mà có thể tạo nên những sản phẩm mới đầy tính hiện đại", ông Thiều nói.

Tác phẩm được Đặng Hữu Phúc viết năm 2019, sau đó dịch bệnh xảy ra nên chưa được diễn trên sân khấu. Nhạc sĩ cho biết: "Tôi thấy vui, nhẹ nhõm khi cuối cùng đứa con tinh thần của mình cũng đến được khán giả".

Đêm nhạc Cổ điển và hiện đại còn có phần biểu diễn độc tấu của Nguyễn Việt Trung với bản Piano Concerto No. 23 (Mozart), các nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội biểu diễn bản Restored Torch (Jakub Polaczyk)...

Trước chương trình, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc ra mắt sách Hợp xướng Acappella Thính phòng và Giao hưởng. Cuốn sách tổng kết toàn bộ cuộc đời sáng tác của ông ở mảng hòa nhạc thính phòng và giao hưởng. Trong đó, bản đầu tiên được viết từ thập niên 1970, khi ông 20 tuổi, phổ thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Bài mới nhất được sáng tác năm 2021, tặng cố nhà thơ, họa sĩ Đặng Đình Hưng - bố danh cầm Đặng Thái Sơn. Vũ điệu chèo và lên đồng là một trong những tác phẩm nằm gần cuối sách.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc giới thiệu cuốn sách mới. Ảnh: Anh Thư

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sinh năm 1953, tốt nghiệp hai chuyên ngành Sáng tác và Piano tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), sau đó trở thành giảng viên của Học viện. Ông đi tu nghiệp tại Nhạc viện Paris của Pháp (1991-1992).

Sáng tác của ông gồm hai mảng chính là viết cho thanh nhạc (giọng hát) và khí nhạc (nhạc đàn). Điểm chung các tác phẩm là kết hợp chất liệu từ dân ca Việt Nam với những kỹ thuật sáng tác hiện đại thế giới. Tác phẩm của ông được biểu diễn ở nhiều quốc gia, trong đó, tác phẩm viết cho piano từng được danh cầm Đặng Thái Sơn thể hiện.

Đặng Thái Sơn song tấu piano cùng Đặng Hữu Phúc trong chương trình ở Hà Nội tháng 1/2021. Bản nhạc được Đặng Hữu Phúc lấy cảm hứng sáng tác từ thơ Đặng Đình Hưng.
Video: Huy Mạnh.

Ông còn viết nhạc phim Người đàn bà nghịch cát, Tướng về hưu, Dòng sông hoa trắng... Nhạc sĩ giành cả hai giải Âm nhạc xuất sắc cho phim Mùa ổiNắng chiều tại Liên hoan phim Việt Nam 2001, giải Kim Tước cho Nhạc phim xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải 2005 với tác phẩm Thời xa vắng, giải Âm nhạc xuất sắc phim truyện điện ảnh cho Bình minh đỏ ở Cánh Diều Vàng 2021...

Nguồn: https://vnexpress.net/