Thạc sĩ Michal Teague (bên trái) và Tiến sĩ Emma Duester. (Nguồn: Đại học RMIT)
LÊ AN
Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học RMIT, việc gia tăng nội dung văn hóa số hóa có thể giúp thu hút khán thính giả trong nước, cũng như giới thiệu hình ảnh văn hóa Việt Nam đương đại với quốc tế.
“Chuyên gia văn hóa trong nước đang ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số mới như thế nào để lấy lại tiếng nói cho văn hóa nghệ thuật Việt?” là câu hỏi thôi thúc hai giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT tiến hành phỏng vấn 50 nghệ sĩ và chuyên gia văn hóa tại Hà Nội để tìm hiểu về thực tiễn số hóa văn hóa nghệ thuật hiện nay.
Hai chuyên gia là Tiến sĩ Emma Duester và Thạc sĩ Michal Teague đã công bố một phần kết quả nghiên cứu trong một bài báo khoa học trên tạp chí Creative Industries năm nay.
Nghiên cứu chỉ ra rằng trong 5 năm qua ở Hà Nội, việc số hóa văn hóa nghệ thuật đã diễn ra trên phạm vi toàn ngành và có hệ thống hơn, thông qua các phương thức như chụp ảnh, quét tài liệu, và lập kho lưu trữ số cho các tác phẩm cũng như bộ sưu tập nghệ thuật.
Các bảo tàng và cơ sở nghệ thuật công lập đã và đang thực hiện các dự án số hóa, tập trung vào việc bảo tồn những loại hình nghệ thuật dân gian, nghề thủ công và di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia văn hóa hiện đang tìm kiếm những phương cách đổi mới sáng tạo để trưng bày công khai các nội dung được số hóa từ những công nghệ mới như quét 3D, thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR).
Các chuyên gia nghiên cứu tại Đại học RMIT đã lấy thành công của dự án nghệ thuật công cộng Into Thin Air làm ví dụ. Đây là dự án do Không gian nghệ thuạt Manzi Art Space khởi xướng và giám tuyển, biến các địa điểm ở khắp thành phố Hà Nội thành những tác phẩm sắp đặt nghệ thuật số.
Đại học RMIT cũng đang hỗ trợ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam số hóa bộ sưu tập bằng công nghệ VR và AR, cũng như nâng cao kỹ năng cho nhân viên bảo tàng để họ có thể tự thực hiện.
Tiến sĩ Emma Duester nhận định: “Các nền tảng số vừa cho phép kết nối với nhiều đối tượng khán thính giả đa dạng hơn, vừa tăng khả năng nâng cao nhận thức về các khía cạnh văn hóa ít được biết đến hoặc những nội dung chưa được công bố trước đây như nhiếp ảnh hay phụ nữ Việt Nam.
Giờ đây, chúng ta có thể đưa văn hóa nghệ thuật đương đại Việt Nam đến gần với thế giới hơn, thay vì chỉ có những hình ảnh lưu truyền trên mạng về phong tục tập quán truyền thống, chiến tranh hay các địa điểm du lịch”.
Giảng viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo Michal Teague tiết lộ rằng, nghiên cứu của cả hai khởi nguồn từ việc xem trọng công tác đưa văn hóa nghệ thuật đương đại Việt vào dạy và học ở Đại học RMIT.
Cô cho biết: “Đây là một lĩnh vực mới ở Việt Nam. Trong khi các nơi khác đã tiến hành số hóa văn hóa nghệ thuật từ nhiều năm qua thì Việt Nam chỉ mới bắt đầu gần đây.
Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra sự thiếu hụt các nguồn tài liệu văn hóa nghệ thuật Việt trực tuyến, đồng nghĩa với việc những người làm công tác giáo dục không thể dùng tài liệu bản địa mà phải thay bằng tư liệu từ phương Tây”.
Cô Teague nhận định: “Trên hết, nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra những thách thức cấp bách ở Việt Nam liên quan tới thiếu hụt ngân sách, nhân lực và nguồn lực công nghệ để số hóa văn hóa nghệ thuật”.
Hai nhà nghiên cứu cho rằng, giải pháp cho những thách thức này là thiết lập chính sách “văn hóa kỹ thuật số” cho Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Duester: "Trong khi nhiều cuộc thảo luận trên phạm vi toàn quốc mới chỉ xoay quanh các chính sách bảo tồn di sản văn hóa và văn hóa truyền thống, chúng ta cần cân nhắc thêm những cách giúp công chúng tiếp cận với các kho lưu trữ số hóa, cũng như làm thế nào để bảo tồn văn hóa đương đại bằng kỹ thuật số một cách tốt nhất.
Hiện chúng ta đã có chính sách và thảo luận về công dân số, xã hội số và nền kinh tế số, song vẫn cần phải đưa ‘văn hóa số’ vào các tài liệu chiến lược quốc gia”.
Công chúng quan tâm tới chủ đề số hóa văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam cũng có thể tham dự Diễn đàn Lưu trữ nghệ thuật và thiết kế Việt Nam (VADA Forum), thuộc khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2021 vào ngày 9/11 tới để cùng thảo luận về việc thiết lập kho lưu trữ số cho các tác phẩm nghệ thuật và thiết kế Việt Nam.
Nguồn: https://baoquocte.vn/