Người tiên phong ra mắt tuyển tập tổng phổ âm nhạc

Người tiên phong ra mắt tuyển tập tổng phổ âm nhạc

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Gần 60 năm biết nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, từ khi chúng tôi còn ở tuổi thiếu nhi đi sơ tán theo Trường Âm nhạc Việt Nam giữa thập niên 60, tôi đã chứng kiến từng giai đoạn lớn dần chín dần trong sự nghiệp của anh. Anh dành cho âm nhạc một tình yêu bền bỉ và trọn vẹn, tình yêu ấy đã giúp anh vượt lên mọi trở ngại để trở thành nhà soạn nhạc đúng nghĩa với danh mục tác phẩm đa dạng trong cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc.

Với gia tài phong phú như vậy, việc dàn dựng đã khó, lưu giữ bản phổ và in sách cũng khó không kém. Các sáng tác của Đặng Hữu Phúc đều được sử dụng và xuất bản. Anh là người đầu tiên in sách tuyển chọn 60 romance và ca khúc cho giọng hát với piano (2012). Sách tuyển tập ca khúc của một tác giả khá nhiều. Sách tuyển chọn ca khúc Việt Nam kèm phần đệm piano hiếm hơn và là của nhiều tác giả gộp lại, trong đó phần piano có thể do người khác viết thêm. Riêng Đặng Hữu Phúc luôn hướng tới ca khúc nghệ thuật và giữ kỷ lục người có nhiều romance nhất, một thể loại đòi hỏi bút pháp chuyên nghiệp, trong đó piano không đơn giản chỉ là nhạc cụ đệm, mà còn có vai trò đối thoại bình đẳng với giọng hát.

Tiếp đến, anh lại là người đầu tiên "trình làng" tuyển tập Tác phẩm cho đàn piano  - solo, 4 tay, 2 piano, 4 piano (2018). Những tác phẩm này cho thấy tác giả phải là một tay đàn chuyên nghiệp mới viết được như thế. Và tới Tác phẩm cho hợp xướng - à cappella, thính phòng và giao hưởng (2022) lại chứng tỏ sự điêu luyện của một cây bút nhà nghề trong lĩnh vực hòa tấu (duo, trio, quartet) và dàn nhạc (dàn dây, dàn giao hưởng hai quản). Chắc hẳn kinh nghiệm viết nhạc nhiều bè và phối khí ở anh đã được tích lũy từ thuở sinh viên thường xuyên chơi piano các tác phẩm giao hưởng cho lớp chỉ huy. Tôi còn nể phục cách tự học hỏi rèn giũa của anh trong việc chuyển soạn cho piano những tác phẩm giao hưởng kinh điển của các nhà soạn nhạc phương Tây. Ra mắt tuyển tập tác phẩm hợp xướng, thính phòng và giao hưởng là một sự kiện ý nghĩa không chỉ cho tác giả trước thềm tuổi 70, mà cho cả giới nhạc, cho những người đang ao ước gây dựng được một thư viện điện tử lưu trữ tác phẩm âm nhạc trên nền tảng kỹ thuật số.

Xây dựng ngân hàng dữ liệu âm nhạc bằng công nghệ điện tử là việc làm bức thiết. Trước hết cần số hóa các tác phẩm âm nhạc, cả văn bản và âm thanh. Song thu thập, làm vi tính, xuất bản tác phẩm âm nhạc Việt Nam vô cùng khó khăn. Môi trường không thuận lợi cho lưu trữ, khí hậu nồm ẩm và thất thường, chiến tranh nối tiếp chiến tranh khiến sử liệu âm nhạc đã ít lại thất tán. Giới nhạc không có thói quen lưu trữ, có lẽ phần nào còn do từ xa xưa di sản âm nhạc truyền thống Việt Nam được diễn tấu ngẫu hứng theo nguyên tắc "lòng bản" và chuyển giao thế hệ qua phương thức truyền khẩu truyền ngón không có văn bản.

Vào những năm đầu thế kỷ XXI, khi Viện Âm nhạc đã bắt đầu thực hiện dự án xuất bản các tác phẩm giao hưởng Việt Nam, chúng tôi gặp rất nhiều cản trở trong việc thu thập tổng phổ khí nhạc. Âm nhạc là phải được vang lên để đến với công chúng. Nhiều tác phẩm không có điều kiện dàn dựng, nếu còn tổng phổ còn hi vọng có cơ hội được sống bằng âm thanh. Vậy mà không ít tác phẩm thất lạc chỉ còn "nghe nói" chứ không biết hình hài ra sao. Nhiều tác giả không lưu giữ đủ tác phẩm của mình, nhất là khí nhạc. Lại có tác giả cương quyết không trao bản gốc viết tay cho một cơ quan nhà nước "cha chung không ai khóc" dù được giải thích chỉ mượn đi photocopy. Thêm nữa, với tác giả chuyên nghiệp thà không xuất bản chứ không chấp nhận bản nhạc in lỗi. Việc làm vi tính tổng phổ giao hưởng rất dễ sai sót, mất quá nhiều công sức, thời gian và rất khó kiếm người vừa thành thạo vi tính vừa có đủ kiến thức âm nhạc. Trong khoảng thời gian 2005-2011, Viện Âm nhạc chỉ xuất bản được bảy cuốn tổng phổ, rồi ngưng và chưa biết khi nào đủ điều kiện in tiếp. Mỗi tác giả chỉ được chọn một tác phẩm, vậy mà mới xuất bản tới tác giả sinh năm 1933. Nếu dự án được tiếp tục thì chưa biết bao giờ tới lượt nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sinh năm 1953.

Thật may mắn, Đặng Hữu Phúc là một trong số ít nhà soạn nhạc rất có ý thức về việc lưu trữ. Không những lưu trữ khối tác phẩm khá đồ sộ, anh còn giữ được nhiều hình ảnh và bút tích của một số nghệ sĩ, nhạc sĩ thế hệ trước… Tôi hết sức bất ngờ và cảm động khi bắt gặp trong kho tư liệu đáng giá của anh danh sách chương trình biểu diễn báo cáo cuối học kỳ của học sinh trung cấp piano chúng tôi gần 50 năm trước do NGND Thái Thị Liên - chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Piano - viết tay!

Không ai rà soát bản vi tính bằng chính tác giả. Vì thế ba cuốn sách tác phẩm của Đặng Hữu Phúc đáng tin cậy về độ chuẩn xác. Còn về chất lượng sáng tác, thì như đã nói trên: đây đều là tác phẩm có đời sống xã hội, một số tác phẩm đã "xuất ngoại" và gây ấn tượng không nhỏ cho giới nhạc quốc tế.

Phong phú về thể loại, sáng tạo trong ngôn ngữ âm nhạc qua sự kết hợp độc đáo tri thức âm nhạc hàn lâm thế giới với vốn cổ dân tộc ở cách vận dụng chất liệu dân ca, cũng như cách tiếp nhận những yếu tố đặc thù của nhạc ngũ cung, những tác phẩm trong ba cuốn sách của Đặng Hữu Phúc là món quà quý giá cho các lĩnh vực biểu diễn, đào tạo, nghiên cứu lý luận phê bình và thưởng thức âm nhạc. Đây là một đóng góp đáng ghi nhận cho dự án số hóa tài sản âm nhạc nước nhà, cho việc quảng bá nhạc chuyên nghiệp Việt Nam đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đặc biệt, những tác phẩm khí nhạc đã và sẽ còn tiếp tục mang "tiếng nói" dân tộc Việt Nam tới diễn đàn âm nhạc hàn lâm thế giới bằng một ngôn ngữ không cần đến phiên dịch.

Nguồn: https://hoinhacsi.vn/