Tìm lại sức sống của nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Tìm lại sức sống của nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Một buổi biểu diễn các nhạc cụ dân tộc của khoa Nghệ thuật Dân tộc và Miền núi, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Bài, ảnh: THANH TÚ

Với sức sống mạnh mẽ của văn hóa 54 dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam, bản sắc dân tộc của âm nhạc cũng trở thành cái màng lọc cần thiết cho cả dân tộc trong bất kỳ bối cảnh nào.

Nền văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc là những viên ngọc quý, sáng đẹp mang sức sống tiềm tàng góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc Việt Nam.

Sức sống mãnh liệt của nhạc cụ truyền thống

Âm nhạc dân tộc, nhạc cụ truyền thống nói riêng và văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung có thể nói là một nền văn hóa “mẹ” của tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới. Từ đó phát triển thành những giá trị văn hóa mới mang tính thời đại, mang hơi thở của thời cuộc, phục vụ nhu cầu thẩm mỹ thưởng thức của khán giả thời kỳ đương đại.

Đặc trưng âm nhạc nước ta là phát triển theo vùng miền từ Bắc đến Nam. Có những nhạc cụ đơn thuần là sự sáng tạo của con người ở vùng đất đó; có loại được du nhập từ nước ngoài nhưng được dân tộc hóa, bản địa hóa để phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc Việt Nam.

Mỗi nhạc cụ truyền thống có một đặc thù riêng, âm hưởng cũng đặc biệt; những hồn cốt đều nằm ở trong các nhạc cụ truyền thống đó. Nhạc cụ dân tộc với những trống lớn, trống nhỏ, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc,... Mỗi nhạc cụ đều có quá trình phát sinh, phát triển cùng thời gian, chứa đựng những giá trị, ý nghĩa văn hóa đặc biệt.

Qua bao biến thiên, thăng trầm lịch sử, nhạc cụ truyền thống vẫn ngân vang, nói lên những ước mơ, khát vọng của dân tộc Việt Nam. Tiếng sáo, tiếng đàn bầu, tiếng đàn T’rưng,... là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là cầu nối văn hóa đặc biệt giữa đất nước Việt Nam với bạn bè năm châu.

Mỗi một nhạc cụ dân tộc đều là những sứ giả văn hóa Việt Nam để quảng bá và đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong các chương trình biểu diễn đối ngoại, các đoàn khách quốc tế vô cùng thích thú với các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Ví như cây đàn bầu, họ tò mò tìm hiểu, muốn biết tại sao một cây đàn chỉ có một dây nhưng lại chơi được cả một tác phẩm nghệ thuật, trong đó có cả các tác phẩm của đất nước họ. Rồi các nhạc cụ khác như: Đàn tranh, đàn t’rưng, đàn đinh pá, bộ sáo dân tộc,... đều là những nhạc cụ có sức lôi cuốn, hấp dẫn với các đoàn khách quốc tế.

Thượng tá, NSND Nguyễn Xuân Bắc, trưởng khoa Nghệ thuật Dân tộc và Miền núi, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã khẳng định tại những sân khấu biểu diễn lớn, nhạc cụ dân tộc đã chiếm một vị trí quan trọng. Không những thế còn được mang ra quảng bá tại các kỳ Hội thao Army Games hay các sự kiện lớn ở nước ngoài.

“Từ các hoạt động biểu diễn lớn nhỏ trong phạm vi khoa, đến phạm vi nhà trường, phạm vi cộng đồng bên ngoài trường đều phát huy và tạo mọi điều kiện cho giá trị âm nhạc truyền thống phát triển. Các nhạc cụ cũng như các nghệ sĩ được tỏa sáng trên các sân khấu, các sân chơi, cuộc thi, liên hoan hội diễn âm nhạc nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân và toàn quốc. Thực tế đã trả lời mặc dù mới bước đầu nhưng đã có nhiều bước ngoặt, tạo tiền đề, hứa hẹn nhiều thành công trong tương lai”, Thượng tá, NSND Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ thêm.

Một trong những vũ khí “đặc biệt” của “Đội Quân văn hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự Hội thao quân sự quốc tế - Army Games vào tháng 8-2021, tại Liên bang Nga là nhạc cụ dân tộc với những tiết mục mang đậm văn hóa truyền thống Việt Nam. Tập thể "Đội quân văn hóa" Quân đội nhân dân Việt Nam do trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chủ trì đã tích cực luyện tập, giành nhiều giải thưởng cao, để lại ấn tượng sâu sắc, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác thắm tình hữu nghị với bạn bè quốc tế.

Bảo tồn và nuôi dưỡng di sản văn hóa dân tộc

Đứng trước nguy cơ các giá trị văn hóa truyền thống mai một, những năm gần đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi “Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc” nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cuộc thi “Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2020” tại điểm thi Thành phố Hà Nội.

Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên được thể hiện khả năng cá nhân và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau.

Hiện nay, nhạc cụ dân tộc đang có những khởi sắc mới do nhu cầu về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng ngày càng cao. Ngoài thưởng thức âm nhạc giao hưởng phương tây, người xem đòi hỏi âm nhạc truyền thống cần phải mới mẻ, sáng tạo để phù hợp với thị hiếu của mọi tầng lớp và tìm ra phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình âm nhạc truyền thống trong thời kỳ mới.

Nguồn: https://www.qdnd.vn/