Âm nhạc trong giáo dục phổ thông

Âm nhạc trong giáo dục phổ thông

 

Vai trò của âm nhạc và giáo dục âm nhạc

Âm nhạc là một tài sản vô hình không thể thiếu trong một đời người, trong một tộc người, trong một cộng đồng tùy theo mức lớn nhỏ mà được gọi là dân tộc, quốc gia, thời đại hay toàn thể nhân loại.

Âm nhạc được sinh ra từ cá thể sáng tạo để bày tỏ cảm xúc và sẻ chia với cá thể khác. Đó là mối liên kết giữa người với người, là sự đồng cảm, là tiếng nói chung có thể không cần đến ngôn từ giữa các dân tộc khác nhau trên khắp địa cầu, giữa các thời đại khác nhau suốt chiều dài lịch sử.

Âm nhạc có sức mạnh khôn lường trong sự tác động cả thuận lẫn nghịch tới tâm lí con người. Nó giúp người mất thăng bằng lấy lại cân bằng hoặc khiến người đang bình thường trở nên phấn khích đến mất kiểm soát. Nó giúp ta đứng dậy, vượt qua nỗi đau nỗi sợ tưởng chừng không thể vượt qua, song cũng chính nó lại xô ta ngã vùi, bất lực trong tuyệt vọng.

Thực hành âm nhạc giúp con người ta không những nhạy cảm, giàu tưởng tượng, trí nhớ tốt, biết lắng nghe, mà còn rèn giũa nhiều phẩm chất khác như tính kiên nhẫn, tính kỉ luật, tính đồng đội…

Một môi trường âm nhạc trong lành là điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng con người nhân hậu và hướng thiện, ngược lại, một đời sống âm nhạc xô bồ độc hại cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng xã hội vô cảm, thiếu nhân cách. Gây dựng một môi trường âm nhạc tốt lành hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách và kĩ năng xã hội cho thế hệ tương lai, vì thế không thể xem nhẹ giáo dục âm nhạc cũng như giáo dục nghệ thuật nói chung trong chương trình phổ thông.

Một nền giáo dục phổ thông tốt là không chỉ đóng khung trong việc trang bị kiến thức cho con trẻ, không nhồi sọ quá tải lí thuyết suông, mà quan trọng hơn thế, đó là giúp các công dân tương lai biết thực hành kĩ năng sống, biết cảm nhận cái đẹp trong thiên nhiên, biết rung động trước cái đẹp trong tình người, để từ đó biết sống lương thiện với đúng nghĩa một con người có nhân cách.

 

Thấy gì từ thực trạng giáo dục âm nhạc?

Chúng ta từng có một tuổi thơ thiếu ăn thiếu mặc nên giờ luôn cố chăm chút cho con mình được hưởng mọi nhu cầu vật chất, đến mức đôi khi không để ý tới nhu cầu tinh thần của con, trong đó có âm nhạc, có môi trường hình thành thị hiếu và nuôi dưỡng khả năng cảm thụ âm nhạc.

Trong đời sống xã hội ngày càng bị cuốn theo cơn lốc chạy đua thành tích, trường học như một xã hội thu nhỏ cũng phải chạy theo điểm số, nhất là các môn được coi là quan trọng. Các con phải học thêm nào toán, nào văn, nào ngoại ngữ…, học thêm buổi ở trường, học ngoài giờ ở nhà thầy cô. Cả thầy lẫn trò chẳng còn để tâm vào mấy môn bị xếp là thứ yếu như nhạc - họa. Mấy môn nghệ thuật học chỉ để lấy lệ đó trong nhiều năm bị loại khỏi chương trình trung học phổ thông. Các con đến tuổi phải tập trung toàn tâm toàn lực vào những môn quan trọng cho cái đích bắt buộc phải đạt tới là đỗ đại học, nên càng cần nhồi nhét kiến thức khoa học bao nhiêu thì hẳn nhiên càng phải giảm tải những thứ nhạc nhẽo vẽ vời bị coi là “vớ vẩn” kia đi. Thế là thả nổi cái nhu cầu ca hát, nhu cầu giải trí bằng âm nhạc ở độ tuổi đang định hình tính cách, dù nhu cầu đó không hề giảm đi, mà ngược lại, càng thiết thực và đòi hỏi hơn vì đến tuổi này các con càng muốn chứng tỏ mình với mọi người xung quanh và khao khát khám phá thế giới xung quanh mình. Hơn bao giờ hết, các cô bé cậu bé sắp trưởng thành rất cần đến sự kết nối và tự tin trong giao tiếp là những thứ có thể dựa vào sự hỗ trợ của âm nhạc. Song, nhà trường “buông” rồi, chẳng bị ai kiểm soát áp đặt, cũng có nghĩa là không còn ai gợi mở, điều chỉnh và dẫn dắt trong thẩm mĩ nữa, tất cả những gì liên quan đến âm nhạc từ đây chỉ có thể tự học trong “trường đời” mà thôi. Và cái đời sống âm nhạc trong “trường đời” ấy đã đủ tốt lành chưa? Các con đủ bản lĩnh để phân biệt hay - dở, thật - giả trong không gian mở của thế giới phẳng hôm nay chưa? Rõ ràng đây là lỗ hổng quá lớn trong giáo dục âm nhạc phổ thông, là một nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng buồn trong giáo dục thẩm mĩ đại chúng hiện nay.

Để thấy sau khi được hưởng quá trình giáo dục phổ thông, các con đủ hiểu biết trong thưởng thức và cảm nhận cái đẹp qua âm nhạc chưa thì phải nhìn ngược về điểm khởi đầu chương trình giáo dục.

Âm nhạc đóng vai trò rất lớn đối với tuổi nhà trẻ - mẫu giáo, lứa tuổi hoàn toàn vui chơi, gọi là “đi học” đấy, nhưng là “học mà chơi”, các bé học được gì chủ yếu đều thông qua hình thức “chơi”. Âm nhạc gần như bao trùm mọi hoạt động của các bé. Đến cấp tiểu học và trung học cơ sở, âm nhạc chỉ còn là một môn học có mức độ hạn chế về thời lượng và tầm quan trọng.

Âm nhạc cho tuổi nhà trẻ - mẫu giáo có khá nhiều điều cần xem xét, nhưng vì chủ đề ở đây giới hạn chỉ trong độ tuổi tiểu học và trung học. Vậy nên ta thử xem ở độ tuổi này các con được học gì trong giờ nhạc. Sách giáo khoa âm nhạc cho thấy có hai nội dung chính là học hát và phát triển khả năng âm nhạc.

Học hát chủ yếu là ca khúc thiếu nhi (dĩ nhiên!), điểm thêm đôi ba bài dân ca Việt và bài hát nước ngoài. Ở tiểu học riêng lớp 1 và 2 học 12 bài mỗi năm, từ lớp 3 đến lớp 5 giảm còn 10 bài mỗi năm và bắt đầu học thêm xướng âm; ở trung học cơ sở từ lớp 6 đến lớp 8 học 8 bài mỗi năm, riêng lớp 9 chỉ còn 4 bài - có lẽ vì cần ưu tiên thời gian cho những môn thi chuyển cấp. Con số cụ thể bao nhiêu không quan trọng, nêu ra đây chỉ để thấy rõ số lượng bài hát giảm dần theo lứa tuổi. Danh sách bài cần học cố định cho tất cả các vùng miền khác nhau. Giáo trình “đóng khung” danh mục đó quả là nhàn cho thầy cô và dễ kiểm soát cho các nhà quản lí giáo dục, nhưng cũng giảm đi tính linh hoạt của một nghệ thuật luôn cần sự tươi mới và sinh động theo dòng chảy thời gian như âm nhạc.

Còn điều nữa dễ nhận ra: xưa nay học hát vẫn là hình thức chủ yếu trong chương trình giáo dục phổ thông nếu không nói là duy nhất. Cách dạy hát ở trường thường rơi vào tình trạng thụ động, mô phạm và một chiều (nghĩa là thầy độc thoại, trò chỉ biết tiếp nhận và làm theo chứ hoàn toàn không có đối thoại tranh luận giữa đôi bên), đó cũng là tình trạng chung của các môn học khác. Một phương pháp sói mòn, ít đòi hỏi sáng tạo cả ở thầy lẫn trò. Thực ra đây vẫn có thể là giờ học đầy thú vị và sáng tạo nếu may mắn có được người thầy tài hoa cả về âm nhạc cũng như phương pháp sư phạm.

Sự sáng tạo linh hoạt trong dạy nhạc và học nhạc cần được thể hiện nhiều hơn ở nội dung thứ hai: phát triển khả năng âm nhạc, bao gồm các phân mục tập nghe nhạc/ câu chuyện âm nhạc/ phân biệt âm thanh cao thấp ngắn dài, giai điệu chuyển động lên xuống/ làm quen nhạc cụ/ trò chơi âm nhạc. Đây là lúc thầy khám phá năng khiếu ở trò và dẫn dắt trò khám phá vẻ đẹp của âm nhạc. Thầy khơi gợi cảm nhận âm nhạc ở trò, biến giờ học thành những khoảnh khắc hưởng thụ. Thầy trò là bạn đồng hành trong cuộc phiêu lưu vào thế giới âm thanh, để cùng có chung một tình yêu với nghệ thuật âm nhạc.

Đó là điều có thể xảy ra vào lúc nào đó trong tương lai, chứ thực tế còn xa con cháu chúng ta mới được hưởng những giờ học nhạc thực sự lôi cuốn trong những năm tháng học tại trường phổ thông. Các con tôi đã học nhạc một cách đối phó bởi không tìm thấy chút hấp dẫn nào ở đó. Tập đọc nốt nhạc từ 9-10 tuổi mà đến tuổi trưởng thành vẫn mù nhạc, bởi các con xướng âm đâu thèm nhìn mặt nốt mà chỉ coi các chữ cái đờ-rờ-mờ bằng bút chì ghi dưới các nốt đồ-rê-mi, rồi học vẹt như thuộc lòng một lời ca vô nghĩa vậy. Thầy biết cũng mặc, miễn sao cả lớp đọc trôi chảy để toàn đạt điểm tốt.

Tôi cứ băn khoăn vì sao quá ít bài hát đọng lại trong kí ức tuổi thơ của các con? Bài hát thiếu nhi mới vẫn xuất hiện đều đều. Năm nào Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng trao không ít giải thưởng cho hạng mục ca khúc thiếu nhi. Thế mà các con ở mọi lứa tuổi - từ nhà trẻ đến tuổi thanh thiếu niên - vẫn cứ thiếu bài hay để hát. Trường trung học phổ thông gần nhà tôi mỗi sáng đầu tuần hoặc lúc liên hoan văn nghệ vẫn nghe tiếng học sinh đồng thanh hát vang những lời ca như: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù…”. Chúng ta luôn trách các bác các cô chú nhạc sĩ thiếu quan tâm đến mảng ca khúc thiếu nhi, nhưng lỗi không hoàn toàn ở họ, bài hát thiếu nhi có viết nhiều viết hay đến mấy mà không được hỗ trợ quảng bá, cập nhật thì thiếu vẫn hoàn thiếu. Người nhớn vẫn bắt trẻ con hát nhiều bài ca của thời chiến mà chúng không thực sự hiểu ý nghĩa.

Trong giáo trình giáo dục âm nhạc phổ thông hiện nay, bài hát được tuyển vào chương trình đều có tuổi đời khá cao, được hát qua nhiều thập niên, có nghĩa đó là bài hát của tuổi thơ thế hệ giờ đã lên chức ông chức bà, dù có hay, có thuộc loại “bài ca đi cùng năm tháng” đi nữa thì nội dung lời ca chưa chắc đã còn phù hợp với tuổi thơ hôm nay.

Nên chăng để giáo trình “mở”: bên cạnh những bài hát được chọn làm cái khung mẫu (như kiểu “lòng bản” trong nhạc dân gian!) còn có kèm theo một danh sách linh hoạt để thay thế bài nào đó là tùy thầy cô, danh sách này mỗi năm được điều chỉnh và cập nhật để có thêm những bài mới được các con ưa thích và phù hợp với thời nay. Ngoài ra, các địa phương được quyền thay thế một vài bài hát trong giáo trình bằng đôi ba làn điệu nhạc cổ truyền của riêng quê mình, đặc biệt những di sản đã và sắp được UNESSCO vinh danh là di sản vi vật thể của nhân loại, chẳng hạn Xoan ở Phú Thọ, Quan Họ ở Bắc Ninh, Then ở vùng núi phía Bắc, Ví Dặm ở miền Trung... Việc này không khó thực hiện thông qua giáo án điện tử bắt đầu được sử dụng từ 2002 và đang dần trở nên phổ cập.

Tuy vẫn cần có cái nhìn thoáng hơn, linh hoạt hơn trong xây dựng và sử dụng giáo trình, nhưng với nội dung qua sự tuyển chọn bài hát và những yêu cầu đặt ra giúp học sinh hiểu biết và thực hành âm nhạc, thì giáo trình hiện nay có thể được coi là tạm ổn. Hơn nữa, được biết trong tương lai gần giáo trình còn hướng tới mục tiêu cảm thụ âm nhạc, sáng tạo âm nhạc và ứng dụng âm nhạc. Vậy thì giáo trình chưa phải là điều đáng lo ngại nhất trong những lí do khiến môn nhạc chưa thực sự có được hiệu quả cần có, phải chăng vấn đề nằm ở chất lượng và phương pháp dạy nhạc?

Chúng ta có không ít cơ sở đào tạo giáo viên âm nhạc, nhưng xem ra số lượng đầu vào hàng năm không cao lắm, chất lượng đầu ra cũng không được đồng đều và chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu xã hội. Chất lượng giáo viên không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố chủ quan như năng khiếu âm nhạc, cái duyên âm nhạc và tình yêu âm nhạc, mà còn được quyết định bởi yếu tố khách quan: giáo viên tương lai được trang bị phương pháp dạy học như thế nào. Rất tiếc trong nhiều năm ta từng xem nhẹ điều này, và phương pháp dạy học cũ kĩ giáo điều có thể làm hỏng nhiều thế hệ học trò.

Thấy được vai trò của âm nhạc trong đời sống con người và phát triển xã hội quan trọng bao nhiêu, thì càng thấy vai trò đào tạo người dạy nhạc quan trọng bấy nhiêu. Từ đây cần ghi nhận tầm quan trọng của các trường sư phạm nghệ thuật. Và mỗi trường có bao nhiêu giáo sư tiến sĩ không quan trọng bằng mỗi năm chúng ta có thêm được bao nhiêu giáo viên trẻ thực sự có nghề có tâm.

Tương lai chỉ tốt đẹp hơn khi chính ta dám thay đổi cả trong ý thức và hành động, dám bỏ qua mọi thứ phù phiếm hình thức, dành toàn tâm toàn lực vì một môi trường âm nhạc trong lành hướng thiện, để con cháu chúng ta không chỉ mạnh về thể lực mà còn đẹp cả về tâm hồn và nhân cách.

 

Theo Nguyễn Thị Minh Châu - hoinhacsi.org.vn

Nguồn VTMS