Âm nhạc đương đại trên bản đồ âm nhạc Việt Nam

Âm nhạc đương đại trên bản đồ âm nhạc Việt Nam

Phạm Tuyết Trinh

Trong thời kỳ hội nhập, thị trường âm nhạc “loạn chuẩn" của Việt Nam khiến thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ bị hạ thấp và lệch chuẩn. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều nhà sáng tạo sản phẩm đương đại tâm huyết nâng tầm chuẩn mực giá trị nhạc Việt.

 “Âm nhạc đương đại” được dùng để chỉ dòng nhạc bác học được phát triển lên từ âm nhạc cổ điển (contemporary music).

Âm nhạc đương đại hiểu theo nghĩa này gồm các dòng nhạc soạn cho dàn nhạc giao hưởng, cho hòa tấu hoặc độc tấu nhạc cụ, cho dàn hợp xướng.

Sự phát triển từ âm nhạc cổ điển có nguồn gốc châu Âu như sau: nhạc cổ điển thế kỷ XVII-XVIII, nhạc lãng mạn thế kỷ XIX, nhạc cận đại đầu thế kỷ XX, nhạc hiện đại và hậu hiện đại từ nửa sau thế kỷ XX, và hiện nay là nhạc đương đại.

Chính vì vậy, cụm từ “âm nhạc đương đại” không bao gồm nhạc pop, rock, hip-hop, DJ, hòa tấu kèn saxophone, nhạc đệm (thường gọi là “hòa âm”) cho ca khúc… đang phổ biến hiện nay.

Trong vài năm gần đây, xu hướng chung của công chúng và các nhà sáng tác, đặc biệt là giới trẻ là chạy đua theo các ca khúc thị trường đã tạo cơ hội cho sự ra đời của trào lưu sáng tác những bản nhạc kiểu “mì ăn liền" với ca từ sáo rỗng, đơn giản, thậm chí là phản cảm, tục tĩu, đạo ý tưởng từ nước ngoài.

Trong thời gian vừa qua, rất nhiều ca sĩ, các nhà sáng tác âm nhạc bất chấp tạo ra nhạc “rác" vì muốn câu view, gây sự chú ý của công chúng, lăng xê quá mức, và thu được lợi nhuận cao từ sản phẩm.

Các sản phẩm ấy tiếp cận với giới trẻ hàng ngày và vô tình trở thành liều thuốc đầu độc tâm hồn cũng như trình cảm thụ âm nhạc của lớp trẻ. Phần lớn bộ phận công chúng trẻ đều không hề biết đến dòng nhạc chính thống, kinh điển bác học hay là thanh nhạc, khí nhạc cũng như dòng âm nhạc cổ truyền khác. Âm nhạc dần trở thành thứ hàng hoá “rẻ tiền” và nghiêng về lĩnh vực giải trí đơn thuần, mất đi tính nghệ thuật.

Trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, có thể nhắc đến các nhạc sĩ như Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương, Lê Minh Sơn, Dương Thụ… đã thành công với hàng loạt sáng tác dân gian đương đại, trở nên quen mặt với nhiều thế hệ yêu nhạc Việt Nam.

Bên cạnh đó cũng có không ít những gương mặt trẻ như Nguyễn Mạnh Duy Linh, Việt Anh, Đỗ Kiên Cường, Trần Mạnh Hùng… thử nghiệm, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, khai thác chất liệu văn hóa nghệ thuật truyền thống và văn học Việt Nam, “tái sinh” những tác phẩm cổ truyền theo phương thức mới, mang hơi thở thời đại đã thu hút được sự quan tâm của những người yêu và hiểu biết về âm nhạc.

Việc kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại tuy không phải cách làm mới mẻ nhưng chắc chắn nó khác với những thứ phổ biến, là bước tiên phong cho thế hệ trẻ Việt Nam nhìn vào và học hỏi.

Nhạc sĩ kỳ cựu Dương Thụ trong “Bộ tứ sông Hồng"

Nhạc sĩ Dương Thụ - một nhạc sĩ kỳ cựu đã đi vào đời sống âm nhạc đương đại với phong cách riêng độc đáo cho rằng dư luận xã hội thất vọng về giới trẻ Việt Nam, họ không hiểu rằng âm nhạc Việt Nam không phải như những ấn tượng họ nghĩ, không phải căn cứ vào âm nhạc giải trí rồi thấy nhảm nhí thì là nhạc Việt Nam.

 

Ông khẳng định: “Âm nhạc thật sự như là nghệ thuật, nó khác công cụ để giải trí”; “Âm nhạc thực sự phải là những hình thức cao hơn của nó. Chúng ta biết là Classic - âm nhạc cổ điển không có nghĩa là cũ, tức là 1 thứ mẫu mực hoặc là Academic là hàn lâm, phải có học vấn và cái này nó rất là tốt”. Nhạc sĩ cũng là người rất quan tâm đến giữ gìn bản sắc văn hóa, đóng góp với cộng đồng nên ông đã thành lập Dự án Cà phê thứ bảy. Ông cho biết: “Tôi muốn cho mọi người thấy 1 hình ảnh khác thông qua "Cà phê thứ Bảy" là âm nhạc Việt Nam vẫn còn tồn tại, mỗi ngày nó 1 phát triển và người làm cho nó phát triển không phải là bọn tôi, là các bạn trẻ”.

Tuy ở nước ta âm nhạc đương đại mới bắt đầu được quan tâm nhưng với các nước văn minh, họ đã phát triển nó từ rất lâu về trước. Các xã hội phát triển như phương Tây, tất cả các học sinh học từ tiểu học trở lên đều được giáo dục nghệ thuật âm nhạc nên nền tảng văn hoá rất cao, tư duy và sức sáng tạo rất tốt. Bởi tiếp cận nhạc chính thống, kinh điển bác học không chỉ bồi dưỡng cho họ về tâm hồn, xúc cảm mà còn bồi dưỡng cả trí tuệ nữa. Cấu trúc của những tác phẩm âm nhạc cổ điển rất phức tạp và chứa đựng tính trừu tượng cao góp phần thúc đẩy khả năng tư duy trừu tượng phát triển.

Với tâm thế hội nhập với thế giới, chúng ta phải chủ trương xây dựng âm nhạc dựa trên những vật liệu sẵn có trở nên mới mẻ, phù hợp. Số lượng công chúng quan tâm tới nhạc đương đại tuy còn ít, cũng hiếm nghệ sĩ nào lựa chọn đi theo con đường này nhưng cũng không ngăn nổi đam mê sáng tạo, tìm hiểu và đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc của nghệ sĩ thế hệ tiếp nối.

Nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ: “Mình phải trở thành bình đẳng với người ta chứ không phải mình cứ tách biệt ra để khoe tôi là thế này, thế kia để người ta để ý. Chúng ta hội nhập, để chúng ta trở thành những người giống như các nước văn minh, chứ không phải Việt Nam suốt ngày phe đàn bầu với tỳ bà. Mình hãy làm cái gì đấy giống như nước ngoài.”

Hi vọng giới trẻ ngày nay sẽ tiếp nối các thế hệ đi trước, mang truyền thống đi cùng thời đại, giúp âm nhạc Việt Nam giữ gìn bản sắc và khẳng định được tầm quan trọng của những nét đẹp văn hóa dân tộc trong âm nhạc đương đại để hòa nhập với âm nhạc quốc tế.

Nguồn: https://baophapluat.vn/