Nhạc sĩ Dân Huyền (tác giả bài viết) tại nhà riêng. (Ảnh: Hương Thủy/Giaoduc)
Nhạc sĩ Dân Huyền
Cốt lõi của nghệ thuật âm nhạc, đặc biệt là bài hát - một hình thức rất gần gũi với đời sống của chúng ta chính là nhạc cảm.
Biết tôi công tác ở Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và đã có một số năm viết nhạc, soạn lời, làm biên tập, nên có nhiều anh em mới viết đã trực tiếp hoặc gián tiếp qua những lá thư hỏi tôi về điều này, điều kia, xung quanh việc làm sao để có được một bài hát hay. Tôi xin chia sẻ một số điều đơn giản trong nghề nghiệp, mong được trao đổi với các bạn cùng tham khảo.
Các nhà lý luận âm nhạc khi phân tích một tác phẩm âm nhạc thường rất chú ý đến: nào là bố cục, thể loại, câu cú, nào là hòa thanh, chuyển điệu... nghĩa là những yếu tố về kỹ thuật xây dựng. Còn đối với người sáng tác thì tốt nhất là không nên quan tâm nhiều đến những điều ấy. Bởi lẽ cái cốt lõi của nghệ thuật âm nhạc, đặc biệt là bài hát - một hình thức rất gần gũi với đời sống, là cái mà chúng tôi thường gọi là nhạc cảm.
Nhạc cảm (nói tắt chữ cảm xúc âm nhạc) trước hết không phải là cái gì mơ mơ màng màng, mà rất rõ ràng, cụ thể, bắt nguồn từ cái nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy của nhạc sĩ trong khi đi vào cuộc sống thực tiễn. Đứng trước một sự vật, họa sĩ thì tìm đường nét, màu sắc, còn nhạc sĩ thì tìm âm thanh, nhịp điệu. Cái bí quyết của sự thành công đối với sáng tác âm nhạc chính là ở chỗ nhạc sĩ đã như nghe thấy được những âm thanh của cuộc sống, rồi tái tạo lại trong một bài hát của mình. Hay nói cách khác: một bài hát hay chính là vì nó mang âm thanh của cuộc sống và những luật lệ, âm nhạc chỉ là những điều “bảo đảm phóng bút” giúp cho việc xây dựng một tác phẩm trọn vẹn mà thôi.
Nói như vậy cũng không có ý coi thường kỹ thuật bởi suy cho cùng thì kỹ thuật cũng lại rút ra, tổng kết lại từ những tác phẩm hay nhất, tiêu biểu nhất từ xưa đến nay. Nên khi có trình độ kỹ thuật cao, cũng giúp cho việc sáng tác có nhiều thuận lợi hơn. Chẳng hạn như đối với một người có trình độ kỹ thuật cao, khi bất chợt nhận ra được một vài âm thanh ban đầu, là có thể phóng tay viết được thành một bài hát. Còn khi chưa có kinh nghiệm, thì cứ loay hoay mãi, có khi bỏ phí những chất liệu quí mà ta đã gặp.
Nhưng dù sao vẫn phải nhắc lại, luôn luôn nhắc lại cái điều quyết định nhất đặc biệt trong sáng tác bài hát là cuộc sống của tác giả. Mỗi nhạc sĩ, thường tự ví như là một cột ăng-ten rất nhạy, luôn luôn bắt được những âm thanh của cuộc sống xung quanh, từ đó mà có được những cảm xúc âm nhạc phong phú nhất, chính xác nhất. Bởi vậy trong cùng một chuyến đi, cùng một cuộc họp, nhà văn thì ghi chép, gặp ai mà thấy có thể là “nhân vật” thì hỏi lấy, hỏi để; còn nhạc sĩ thấy thì lơ đãng, chẳng sổ sách, giấy, bút, bởi chính là anh ta đang sử dụng cái ăng-ten trong đầu để thu lại, tự dò các tần số để bắt cho được những âm thanh trong chuyến đi ấy, trong không khí buổi lễ ấy.
Nói tóm lại, nhạc sĩ phải sống và hiểu biết cặn kẽ cuộc sống, nhưng rồi cuối cùng phải tích lại trong cái “túi càn khôn” của mình, không phải là những nhân vật, tình tiết, mà là những âm thanh: đồ, rê, mi để rồi sắp xếp lại thành một bài hát. Đó là cái vốn, cái bột để gột nên hồ.
Cuộc sống đưa vào tác phẩm âm nhạc tuy không phải cảm thấy, nghe thấy được. Âm nhạc tiếp thu cái hương, cái nhụy của cuộc sống tốt đẹp. Âm nhạc phản ánh cái nhịp điệu phong phú của thời gian và rất giàu khả năng tái tạo lại cái vô tận của không gian. Âm nhạc không mô tả về một sự kiện, một con người nào giống như vẽ một bức tranh, mà làm sống dậy những sự kiện, những con người qua các thời đại bằng khả năng khái quát hóa của những âm thanh.
Xưa kia, các nhạc sĩ có tên tuổi hiện nay nào đã mấy ai được đào tạo cơ bản, nhưng đã viết được những bài hát bất hủ, ví như: “Người Hà Nội”, “Sông Lô”, “Du kích sông Thao” ... Sở dĩ được như vậy bởi cuộc sống đã tràn vào tâm hồn nhạc sĩ, tràn vào bài hát một cách rất tự nhiên đến nỗi không thể tách ra nổi đâu là tác phẩm, đâu là cuộc đời.
Nói như vậy không có nghĩa là nhạc sĩ đóng vai trò thụ động mà trái tim nhạc sĩ phải có một sức cảm thụ nhạy bén, mạnh mẽ nhất. Sức cảm thụ ấy có lúc như là một tài năng hay nói cách khác quyết định tài năng của nhạc sĩ, quyết định cái hay của tác phẩm. Không thể có một mẫu mực về kỹ thuật, nếu như đầu tiên không có sự cảm thụ đối với cái mà mình định nói, định mô tả. Sự cảm thụ của nhạc sĩ là một quá trình, có khi đơn điệu về một sự vật, một cảnh tượng, một câu chuyện, cũng có khi là quá trình liên kết phức. Nên giải thích như vậy thì mới cắt nghĩa được cái hứng của người viết, cái cơ sở khoa học tạo ra cái “lô gích” làm việc tùy hứng của những người làm nghề tự do, thoải mái mà rất đặc biệt.
Riêng việc viết lời, tưởng là dễ mà rất khó. Bởi đó là vốn chữ nghĩa sẵn có trong đầu qua tiếp xúc và học tập. Lời càng hay, càng vần, có chất thơ… thì người nghe dễ thuộc dễ nhớ,
Ví dụ: “Màn đêm xuống không trăng sao/ Lòng tôi nhớ tới hôm nào/Từ biệt làng đi chiến đấu/ Đời bộ đội quen với gian lao…” (Bài hát “Quê tôi” của Nguyễn Đức Toàn).
Mời anh đến thăm quê tôi - (Nguyễn Đức Toàn) - Quốc Hương
“Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ/ Ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày/ Đất với người cùng một dòng suy nghĩ/ Ấy phải làm gì cho tiền tuyến hôm nay/ Ấy phải làm gì nắm phần thắng trong tay…” (Bài hát “Bài ca năm tấn” của Nguyễn Văn Tý).
Bài ca năm tấn - (Nguyễn Văn Tý) - Bích Liên
“Chân lý thuộc về mọi người/ Không chịu sống cuộc đời nhỏ nhoi/ Xin hát về bạn bè tôi/ Những người sống vì mọi người/ Ngày đêm canh giữ đất trời…” (Bài hát “Một rừng cây, một đời người” của Trần Long Ẩn) ...
Một đời người một rừng cây - (Trần Long Ẩn) - Lê Hành
Tôi xin nhắc lại, cái điều cốt yếu nhất của sáng tác là cảm xúc, cảm xúc của nhạc sĩ đối với sự vật và con người xung quanh. Một bài hát hay là kết quả của một cảm xúc đã đến lúc chín mọng, của một sự tràn đầy những yêu thương, căm giận, hởn tủi... mà nhạc sĩ tích lũy được từ cuộc sống. Những điều tưởng như là chung chung, nhưng lại là cái riêng cái độc đáo mà người viết tạo được cho riêng mình và tạo nên sự ghi nhận và nhớ mãi cho người nghe, người thưởng thức bài hát. Muốn vậy phải luôn luôn “Chưa biết thì hỏi, chưa giỏi thì học” và đừng nghĩ rằng “Đã biết bơi rồi thì có thể vượt sông được”! Phải kiên trì tập dượt hàng ngày thì mới mong qua được bờ bên kia một cách dễ dàng./.
Nguồn: https://vov.vn/