Ca khúc “Hè Về” của nhạc sĩ Hùng Lân

Ca khúc “Hè Về” của nhạc sĩ Hùng Lân

Tân nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc viết về Mùa Hè, đặc biệt là từ thập niên 1960, khi mà hoa phượng, mùa hè và chia tay tuổi học trò là chủ đề rất quen thuộc của các nhạc sĩ nhạc vàng như Thanh Sơn, Song Ngọc, Duy Khánh,… với nhiều ca khúc đã trở thành bất tử.

Tuy nhiên trước đó khoảng hơn 10 năm, có 2 ca khúc in đậm nét trong lòng nhiều thế hệ học trò thập niên 1950 là Mùa Thi của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và Hè Về của nhạc sĩ Hùng Lân.

Trong một bài viết, cố ca sĩ Quỳnh Giao nhận xét rằng nhạc sĩ Hùng Lân có biệt tài viết lời ca nhanh và liền lạc như một chuỗi hạt trai, có thể thấy được rõ nét nhất điều đó qua Hè Về.

Bài hát Hè Về, khác với cái tựa đề khá đơn giản, bên cạnh tiết tấu bài hát khá phức tạp thì lời bài hát cũng rất dài, chủ yếu là để tả cảnh sắc mùa hè đầy màu sắc và rộn ràng thanh âm. Bài hát mang lại cho người nghe cảm giác bồng bềnh, mênh mông, rào rạt của sóng lúa vàng, của áng mây hồng buổi sớm mai, của mầu xanh ngọc bích nơi cành lá, của màu phượng đỏ rung rinh ngoài nắng.

Bài hát có những hình ảnh thật tinh tế: Đám mây trắng đùa với nắng, đàn chim én tung cánh đo trời, dưới thì đồng lúa vàng nhịp nhàng cao thấp trên sườn đồi. Hương sen thanh nồng lan theo gió mát.

Cảnh thì đẹp, mà nhạc thì cũng lôi cuốn, dìu dặt và trong sáng. Chỉ trong một đoạn mà người thưởng thức nghe được tiếng ve, tiếng trúc, ngắm được mây trắng, lá ngọc, chim én, lúa vàng, mà còn ngửi được hương thơm của sen nồng. Lời ca của Hè Về xứng đáng được dùng cho học sinh học cách hành văn vừa trong sáng vừa đầy hình ảnh và màu sắc.

Trời hồng hồng, sáng trong trong. Ngàn phượng rung nắng ngoài song
Cành mềm mềm gió ru êm. Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên
Đàn nhịp nhàng hát vang vang. Nhạc hòa thơ đón hè sang…

Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ.
Hè về trong tiếng sáo dìu dật dờ.
Hè về gieo ánh tơ...

Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng. Đàn chim cánh đo trời
Phân vân đôi mắt chèo lữ thứ. Thuyền ai biếng trôi

Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo dốc chân đồi
Thanh thanh hương sen nồng Ướp gió trăng khi chiều rơi…

Ở đoạn điệp khúc, nhạc sĩ Hùng Lân tài tình sử dụng lối hát đuổi nên càng làm câu nhạc quấn quýt liền lạc như tâm tư tác giả trào dâng với cảm xúc chứa chan trước cảnh hữu tình. Đoạn này được hát đuổi hay nhất với giọng nữ câu cao, và giọng nam câu trầm:

Hè về hè về! Nắng tung nguồn sống khắp nơi
Hè về hè về! Tiếng ca nhịp phách lên khơi

Đầu ghềnh suối mát reo vui dào dạt
Ngập trời gió mát ven mây phiêu bạt
Hồn say ý chơi vơi, ngày xanh thắm nét cười, lòng tha thiết yêu đời …  

Bài hát cho đến nay vẫn được nhiều ca sĩ trình diễn lại sau 70 năm, và là một trong những bài hợp ca hay nhất tân nhạc Việt Nam. Đã có rất nhiều thế hệ ca sĩ huyền thoại hát ca khúc này, nhưng bản thu thanh xưa nhất còn lưu lại có lẽ là bản của tài từ Ngọc Bảo và bản song ca của danh ca Minh Trang và quái kiệt Trần Văn Trạch.

Nguồn: https://nhacxua.vn/