Giải thưởng âm nhạc Việt: Những đổi thay cần thiết

Giải thưởng âm nhạc Việt: Những đổi thay cần thiết

Lễ trao giải Làn sóng xanh 2022. Ảnh: THÀNH LUÂN

TIỂU TÂN - HẢI DUY

Sau vài năm, các giải thưởng ít nhiều mất dần sức hút với khán giả, thậm chí nghệ sĩ cũng thơ ơ, thì năm nay, hàng loạt giải thưởng âm nhạc Việt trở lại với những chuyển biến tích cực, thậm chí có những bước đột phá.

Trở lại lợi hại

Hiện có khoảng trên dưới 20 giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ được nhiều đơn vị tổ chức, có thể kể đến như Cống hiến, Làn sóng xanh, Mai vàng, Zing Music Awards, Keeng Young Awards, Vinaphone Spin Awards… Điều dễ nhận thấy ở các giải thưởng là sự thay đổi mang tính cập nhật, có sức hút khán giả.

Nếu phải nói đến sự đột phá, không thể không nhắc đến giải Cống hiến do Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức. Đó là lần đầu tiên giải thưởng Âm nhạc Cống hiến sẽ mở rộng thành giải thưởng Cống hiến, bao gồm 2 hệ thống giải: Giải Cống hiến âm nhạc, giải Cống hiến thể thao. Về phương thức bình chọn, nếu như trước đây chỉ có sự tham gia của báo giới thì nay sẽ thu thập thêm ý kiến đánh giá từ hội đồng tư vấn và công chúng thông qua các hình thức bình chọn công khai. Lần đầu tiên, giải áp dụng hệ thống bình chọn Bvote để thu thập ý kiến khán giả, tăng tính khách quan, chiếm tỷ lệ 50%.

Ông Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng ban Tổ chức giải thưởng Cống hiến, cho biết thêm: “Ngoài trao cúp giải thưởng cho người chiến thắng tại các hạng mục đề cử, lần đầu tiên ban tổ chức phối hợp Công ty ByteNext tạo ra các chứng nhận NFT áp dụng trong công nghệ blockchain cho những người đoạt giải. Công nghệ blockchain được áp dụng cho các NFT tạo ra từ hình ảnh, clip của nghệ sĩ, vận động viên có tên tại những hạng mục bầu chọn để từ đó nghệ sĩ, vận động viên và đặc biệt khán giả có thể sưu tầm, lưu trữ, trao đổi các NFT này. Điều đó góp phần tạo ra giá trị gia tăng, lợi ích xã hội… mang tính chất phù hợp thời chuyển đổi số”.

Là một trong những giải thưởng âm nhạc ra đời đầu tiên, Làn sóng xanh (Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức) cho thấy sự nhanh nhạy khi có những thay đổi tích cực, từ tiêu chí bình chọn đến các hạng mục đề cử. Từ năm 2018, giải thưởng có hội đồng bình chọn lên đến khoảng 200 thành viên, đảm bảo góc nhìn chuyên môn nghệ thuật và thị trường. Biên tập viên Diệu Minh, Ban tổ chức Làn sóng xanh, cho hay: “Làn sóng xanh những năm qua đều nỗ lực để có những tiêu chí này nhằm tạo cảm xúc đặc biệt trên sân khấu trao giải. Bên cạnh đó, đêm trao giải chính thức được chúng tôi tổ chức như một ngày hội của các nghệ sĩ”.

Nhạc sĩ Huy Tuấn phát biểu: “Tôi tin rằng, những sự đổi mới này không chỉ giúp cho các giải thưởng thành công, trọn vẹn hơn mà còn tạo sức hút lớn với khán giả. Các giải thưởng có rất nhiều bạn trẻ như Hoàng Dũng, Amee, Hoàng Duyên… là điều thú vị, vì âm nhạc đang có thế hệ tiếp nối”. Ca sĩ trẻ Phùng Khánh Linh bày tỏ: “Với các nghệ sĩ có cộng đồng khán giả ủng hộ, tôi thấy đây là điều rất vui, là cơ hội để nghệ sĩ tương tác, gần gũi hơn với công chúng yêu mến mình”.

Thức thời, phù hợp

Các giải thưởng âm nhạc cuối năm gần như phản ánh gương mặt của đời sống âm nhạc trong năm đó, vừa là ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến, tư duy làm nghề của nghệ sĩ, vừa thể hiện xu hướng thưởng thức âm nhạc của số đông công chúng. Sự trở lại mạnh mẽ của năm nay, tùy theo tình hình thực tiễn của đời sống âm nhạc đại chúng với rất nhiều đổi mới, cũng tạo niềm vui lớn, sự hứng khởi cho nghệ sĩ.

Lĩnh vực âm nhạc luôn là một trong những lĩnh vực sở hữu nhiều giải thưởng nhất hiện nay. Điều này cho thấy sự quan tâm của khán giả, nghệ sĩ đối với lĩnh vực này. Sau gần 3 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc tổ chức các giải thưởng sao cho trọn vẹn, cũng như kêu gọi tài trợ những giải thưởng không mấy dễ dàng, trở thành “bài toán” cuối năm của các đơn vị tổ chức.

Theo ông Vương Quyền, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng bảng xếp hạng Làn sóng xanh 2022 ghi nhận số lượng bài hát hàng tuần nhiều nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, với gần 120 ca khúc. Đa dạng về thể loại, nhiều gương mặt mới xuất hiện, nhiều xu hướng mới được các nghệ sĩ khai phá.

Còn ông Lê Xuân Thành chia sẻ: “Đúng là nhiều năm nay chúng tôi trăn trở trước những khó khăn trong việc tổ chức. Chúng tôi quan niệm, trong năm có những nghệ sĩ đã cống hiến hết mình, tạo ra và lan tỏa giá trị tích cực đến xã hội, cho nên vấn đề của ban tổ chức là phải tạo được giải thưởng tôn vinh họ. Chúng tôi khắc phục bằng cách tìm tòi những đổi mới sáng tạo để các nhà tài trợ, nhãn hàng thấy cách thức tổ chức mới để họ tham gia. Khi giải có sự tham gia đông đảo khán giả, người ta sẽ nhìn thấy giá trị của sự đồng hành, của sự cống hiến”.

Sự trở lại đáng mong đợi

Không hẹn mà gặp, 2 chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đình đám bậc nhất là Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc) và The Voice (Giọng hát Việt) vừa công bố trở lại với nhiều hứa hẹn. Tính từ lần tổ chức gần nhất, đã 4 năm Giọng hát Việt mới tái xuất với khán giả sau màn đăng quang của thí sinh Hoàng Đức Thịnh (năm 2019). Trong khi đó, sau lần lên ngôi nhiều cảm xúc của cô gái Philippines Janice Phương, mất 7 năm khán giả mới lại được hồi hộp theo dõi các vòng thi của Thần tượng âm nhạc.

Hiển nhiên, có rất nhiều lý do cho sự tạm ngưng của 2 chương trình truyền hình thực tế nói trên. Việc gián đoạn vì dịch bệnh là một lẽ, nhưng điều quan trọng không kém vẫn nằm ở bài toán tổ chức và chất lượng thí sinh. So với các cuộc thi về âm nhạc khác đã và đang lên sóng truyền hình thời gian qua, cả Giọng hát Việt và Thần tượng âm nhạc đều có quy mô lớn. Nhiều mùa của Thần tượng âm nhạc tuyển sinh khắp cả nước, thu hút hàng ngàn thí sinh tham gia, hoàn toàn trực tiếp, không có hình thức trực tuyến như hiện tại. Nhiều nhà sản xuất thừa nhận, trong bối cảnh gameshow và truyền hình thực tế có dấu hiệu chững lại, không phải đơn vị nào cũng dám mạo hiểm đổ tiền vào những chương trình tốn kém cả về kinh phí, thời gian tổ chức kéo dài. Và, điều quan trọng không kém, chất lượng thí sinh của các cuộc thi ca hát trên sóng hiện nay đã được đề cập đến rất nhiều. “Bài toán” tìm thí sinh không chỉ hát hay, trình diễn tốt, mà còn có câu chuyện truyền cảm hứng và đi được đường dài sau khi chương trình kết thúc, vô cùng nan giải.

Năm nay, cả 2 chương trình đều “đổi chủ”, tức là qua tay một nhà sản xuất mới. Điều này là cần thiết và biết đâu sẽ tạo nên những thay đổi mới mẻ. Như với Giọng hát Việt, phía nhà sản xuất hé lộ, năm nay sẽ chấp nhận tất cả các thể loại, dòng nhạc; bám sát format quốc tế cả về luật chơi lẫn hình thức thể hiện từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng… Tất nhiên, đó là những lời hứa ban đầu. Ngay cả “bài toán” thí sinh, dù có thêm thuận lợi là tổ chức thử giọng trực tuyến, thời điểm tuyển sinh 2 cuộc thi không trùng lắp, nhưng để chọn được những nhân tố hứa hẹn đột phá, chắc chắn không dễ dàng...

Trong quá khứ, Thần tượng âm nhạc là cái nôi chắp cánh những: Uyên Linh, Đông Nhi, Phương Vy, Isaac, Trọng Hiếu, Trung Quân, Văn Mai Hương… Trong khi đó, Hương Tràm, Trúc Nhân, Đức Phúc, Vũ Cát Tường, Bảo Anh... là những cái tên nổi bật bước ra từ Giọng hát Việt. Đa số họ hiện vẫn là những tên tuổi tiêu biểu của nhạc Việt đương đại. Do đó, kỳ vọng vào sự trở lại trong năm 2023 với Giọng hát Việt và Thần tượng âm nhạc từ giới chuyên môn lẫn khán giả cũng là điều tất yếu.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/