Nhạc sĩ Đinh Nhu (1910-1945)

Nhạc sĩ Đinh Nhu (1910-1945)

Đinh Nhu (1910 - 1945) là một nhạc sĩ người Việt Nam, tác giả bài Cùng nhau đi Hồng binh, nhạc phẩm được coi là bài hát đầu tiên của tân nhạc cách mạng Việt Nam.

Đinh Nhu sinh năm 1910 trong một gia đình nghèo khó, quê ở Hải Dương, nhưng gia đình sống ở Hải Phòng. Nhà chỉ có hai anh em trai. Đinh Nhu là anh. Mẹ Đinh Nhu làm nghề bán hoa tươi ở chợ Sắt. Cả nhà sống trong một căn phòng chật hẹp trên gác 2 đằng sau rạp hát tuồng.

Vì mê nghe hát tuồng nên Nhu mon men làm quen với các cô chú diễn viên. Từ đó, cậu quen biết nhiều người trong giới nghệ sỹ đất Cảng khi ấy. Cậu cũng chơi thân với con ông chủ rạp tuồng này. Thế là tối nào cậu cũng được vào xem, không phải mua vé. Không chỉ hâm mộ, tiếp xúc với các diễn viên, Đinh Nhu còn học lỏm được các ngón đàn của họ.

Thấy cậu ham mê âm nhạc, lại ngoan ngoãn nên các cô chú diễn viên rất quý mến, đã sẵn sàng dạy cậu học nhạc, đàn miễn phí. Cậu đã bước đầu chơi được một số nhạc cụ dân tộc như nguyệt, bầu, nhị, sáo, thập lục…

Gia đình Đinh Nhu chẳng may sa cơ, lỡ vận nên cậu phải bỏ học để đi làm lấy tiền phụ giúp bố mẹ nuôi em trai ăn học. Lớn thêm một chút, Đinh Nhu bắt đầu tham gia các phong trào cách mạng. Năm 1927, cậu hoạt động trong phong trào Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đến cuối năm 1929, lúc 19 tuổi, Đinh Nhu bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội) rồi bị kết án tù chung thân và mấy năm sau đầy ra Côn Đảo.

Năm 1930, tại Hỏa Lò, Đinh Nhu mang số tù 10549. Trong tù, được sự gợi ý của anh em, Đinh Nhu đã sáng tác bài hành khúc Hồng quân ca bằng cây sáo trúc ở ngoài chuyển vào. Bài hát này sau này có tên gọi là Cùng nhau đi Hồng binh, được anh em tù hát khắp các nhà lao Bắc, Trung, Nam trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và trở thành một bài ca phổ biến cả nước.

Cùng nhau đi Hồng binh còn được một số nhà nghiên cứu coi là bài hát đầu tiên của tân nhạc Việt Nam (nếu không tính bài Dạ cổ hoài lang còn mang âm hưởng ngũ cung của nhạc cổ, sáng tác trước đó). Theo Trần Quang Hải, Đinh Nhu viết Cùng nhau đi Hồng binh trong tù vào năm 1930 để kêu gọi dân chúng nổi lên chống Pháp, dựa trên thang âm ngũ cung (Do, Re, Fa, Sol, La, Do). Trước đó, Đinh Nhu có đặt lời Việt cho một vài ca khúc nước ngoài như La Marseillaise (Bài ca kêu gọi vô sản làm cách mạng) và La Madelon.

Tại Côn Đảo, Đinh Nhu mang số tù 3641, cùng bị giam chung phòng giam với các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt)…Thời gian ở tù, Đinh Nhu tiếp tục sáng tác nhạc, viết báo tường, chỉ đạo kỹ thuật nghề may, đóng giầy, mộc…

Ngoài bài hát Hồng quân ca ấy, Đinh Nhu còn viết bài ca kêu gọi công - nông - binh làm cách mạng, kỷ niệm về lãnh tụ Lênin. Năm 1936, Đinh Nhu được ân xá, anh trở về Hải Phòng tiếp tục hoạt động. Năm 1940, anh lại bị bắt cùng người em trai là Đinh Hoạt, và cùng bị giam ở “Căng Bắc Mê”, rồi chuyển đến “Căng Nghĩa Lộ”.

Trong trận nổi dậy ngày 17/3/1945 ấy, Đinh Nhu hy sinh, còn em trai thì chạy thoát. Tuy cuộc nổi dậy của các chiến sĩ không thành nhưng cũng làm cho quân giặc thêm hoang mang, lo sợ, đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng cho các chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong vùng.

Hiện đã có một đường phố mang tên nhạc sỹ - liệt sỹ Đinh Nhu ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Ông đã để lại một bài ca bất hủ thường vang lên trong các ngày lễ lớn của đất nước./.

Tài liệu tham khảo:

- Wikipedia – web: wikipedia.org
- Vang mãi bài ca cách mạng – Nhạc sĩ Dân Huyền –
web: bcdcnt.net
- Chuyện chưa kể về tác giả ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” – Nguyễn Đình San – web: vnca.cand.com.vn