Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên (1909-2009)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên (1909-2009)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên sinh tại Thừa Thiên - Huế, tự học nhạc từ nhỏ theo các giáo trình âm nhạc của Pháp. Với Kiếp hoa (thơ Nguyễn Văn Cổn) cùng những chuyến lưu diễn ở Huế, Hải Phòng, Hà Nội vào năm 1938, ông được các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc xem là người khai sinh tân nhạc Việt Nam bên cạnh những tài danh như Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh...

 

Nguyễn Văn Tuyên và Tân nhạc Việt Nam

Cho tới nay hầu hết những nhà phê bình đều đã công nhận ca khúc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam là bài Cùng nhau đi Hồng binh của Đinh Nhu sáng tác 1930. Trước khi sáng tác bài Cùng nhau đi Hồng binh, Đinh Nhu đã từng viết lời ca mới cho nhiều bài hát cách mạng dựa theo các điệu hát nước ngoài. Sau Cùng nhau đi Hồng binh, cũng có nhiều nhạc sĩ khác bắt đầu sáng tác ca khúc như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1936) của Lê Yên, Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung, Xuân năm xưa (1936) của Lê Thương.

Nhưng tân nhạc chỉ thực sự hình thành vào năm 1938 được đánh dấu bởi buổi biểu diễn của Nguyễn Văn Tuyên trình bày chính tác phẩm của ông ở Hà nội.

Nguyên Văn Tuyên sinh năm 1909 ở Huế. Ông được học nhạc Tây từ lúc nhỏ, tự học căn bản từ những sách giáo khoa về lý thuyết âm nhạc của Pháp. Năm 1936 ông di cư vô Sài Gòn và trở thành người Việt duy nhất tham gia hội Ái Nhạc (Philharmonique) ở Sài Gòn. Ông bắt đầu hát nhạc Tây và đoạt được cảm tình của báo chí và radio (truyền thanh). Năm 1937 ông phổ bài thơ Kiếp Hoa của bạn ông Nguyễn Văn Cổn và viết thành ca khúc đầu tay cùng tên. Thống đốc Nam Kỳ (Cochinechina) khi đó Pagès nghe ông hát và mời ông du lịch tới Pháp để tiếp tục học nhạc nhưng Nguyễn Văn Tuyên từ chối vì lý do gia đình. Thay vì vậy ông lại đề nghị và được thống đốc Pagès tài trợ đi một vòng Việt Nam để quảng bá những bài nhạc mới này.

Năm 1938, Nguyên Văn Tuyên có những buổi biểu diễn và diễn thuyết ở Huế, Hải Phòng và Hà Nội. Những bài hát đầu tiên của ông khi đó là Kiếp hoa, Bông cúc vàng và Anh hùng ca. Sau đó tờ Ngày Nay của Nhất Linh đã xuất bản một vài tác phẩm của Nguyễn Văn Tuyên cùng với của các nhạc sĩ khác. Nguyễn Văn Tuyên tiếp tục trình diễn ở Hải Phòng và Nam Định cho những khán giả nhiệt tình.

Một Kiếp Hoa - Nguyễn Văn Tuyên-Nguyễn Văn Cổn

Những bài hát đó bắt đầu lan truyền phổ biến, các nhóm Myosotis và Tricéa cùng các nhạc sĩ khác cũng bắt đầu tung ra những ca khúc của mình. Tân nhạc Việt Nam hình thành.

Theo đánh giá của các nhà phê bình, tuy là người khai sinh ra tân nhạc, nhưng những sáng tác của Nguyễn Văn Tuyên không thực sự có giá trị nghệ thuật cao, nên với thời gian chúng đã bị quên lãng.

Ông qua đời ngày 30 tháng 4 năm 2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 100 tuổi.

Tác phẩm

  • Bông cúc vàng
  • Một kiếp hoa
  • Anh hùng ca

Theo wikipedia

 

Người ca sĩ đầu tiên của tân nhạc

(nguồn: nld.com.vn)

“Năm 1936, tại Sài Gòn chỉ có một ca sĩ duy nhất - đó là tôi - Nguyễn Văn Tuyên. Khi ấy tôi đã 25 tuổi"

 

Khi biên tập những dòng hồi tưởng này, tôi nhẩm tính tuổi hiện giờ của chàng ca sĩ thời "tiền tân nhạc” và bỗng dưng cảm thấy có lỗi nếu không kịp tìm gặp nhân chứng lịch sử kỳ cựu nhất của nền nhạc mới. Chuyến công du cuối năm vào TPHCM dù quá sít sao thời gian vẫn phải bổ sung thêm một chương trình: Tìm gặp ca sĩ đầu tiên đồng thời là một trong những người đầu tiên sáng tác ca khúc Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuyên, 93 tuổi.

Kỹ năng làm phép cộng trừ của tôi cho kết quả đúng, nhưng hóa ra vẫn chưa chính xác với tuổi tác của ông. Ông sinh năm 1909. Cần đính chính lại cho câu trích dẫn trên: "Khi ấy tôi 27 tuổi". Con gái út của ông giải thích đấy là một nhầm lẫn do tuổi tác - sự nhầm lẫn rất ít thấy ở ông, con gái đã không có cơ hội “kiểm duyệt" bài vì cha viết “lén" và cũng lén gửi bài cho Viện Âm nhạc lúc nào không hay, chắc sợ bị con cháu ngăn cản vì lo ngại cho sức khỏe của ông.

Thực ra ông vẫn khỏe và quá trẻ so với người đang chuẩn bị đón cái tết thứ 97 của đời mình. Gọn gàng, nho nhã, dẻo dai về sức lực (bởi ông vẫn tự lên xuống cầu thang một mình), minh mẫn về trí óc (bởi ông chuyện trò rành mạch đâu ra đấy), chỉ một chút lãng tai là dấu ấn tự nhiên của tuổi tác. Người con út mà ông giới thiệu là “cây gậy” trong tuổi già đôi khi phải kiêm thêm vai trò phiên dịch, chị ghé sát tai cha nhắc lại câu hỏi của chúng tôi bằng giọng miền Trung (bình thường chị nói giọng Nam pha Bắc). Thật lạ lùng, đôi tai không nắm bắt được hết thế giới âm thanh bên ngoài vẫn dành riêng một “kênh” chỉ tiếp nhận tiếng nói của con gái ông qua chất giọng quê hương nơi chôn rau cắt rốn của ông. Đó có phải vì càng già con người ta càng muốn hướng về cội, về những gì thân thương nhất? Còn lạ lùng hơn khi câu chuyện về 70 năm trước được bắt đầu bằng tiếng hát của chính ông - ca sĩ đầu tiên của Đông Dương, “một giọng hát không thể chê vào đâu” như báo L’Impartial từng giới thiệu. Chương trình Những chuyện lạ ở Việt Nam của VTV3 cũng không làm tôi ngạc nhiên như lúc tai nghe mắt thấy một cụ ông ở tuổi cực hiếm này tự biên tự diễn, ông đã hát và tự đệm orgue ba ca khúc ông viết từ những năm 37-38: Kiếp hoa, Anh hùng ca (phổ thơ Nguyễn Văn Cổn) và Bông cúc vàng (thơ Nguyễn Quý Anh).

- Trước khi viết những bài này, ông có biết đến Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1937) của Lê Yên, Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung, Xuân năm xưa (1936) của Lê Thương...?

- Tôi biết trong giới đạo Thiên Chúa trước đó có đặt những bài hát Việt phục vụ tôn giáo, chứ ngoài đời tôi chưa được nghe một bài hát nào cả. Tôi biếu diễn bằng tiếng Pháp những bài cổ điển hoặc nhạc giải trí kiểu Tino Rossi. Thời đó người ta chỉ đua nhau làm bài hát “lai Tây” (bài Tây lời ta). Muốn quần chúng hướng đến một nền âm nhạc không lai căng thì trước hết phải có bài hát mới cả lời lẫn nhạc hoàn toàn Việt Nam. Bao lần đi trên đường nghe tiếng rao hàng rong: “Ai ăn chè đậu xanh hương dừa đường cát khô... ông?”, tôi nhận thấy nhạc điệu trong đó và đã hát lên thành nốt nhạc. Rồi tôi nghĩ tại sao mình không thử làm bài hát mang tính dân tộc trên nguyên tắc bám sát tiếng nói giàu âm điệu của Việt Nam.

Tư tưởng lớn gặp nhau, những người tiên phong thời tân nhạc đã tình cờ trở thành bạn đồng hành trên con đường đi tìm nguồn nhạc mới cho đất nước. Riêng ca sĩ Nguyễn Văn Tuyên không chỉ thể nghiệm trong lĩnh vực sáng tác mà còn tận dụng mọi cơ hội phát động phong trào đổi mới trong âm nhạc. Ông đã hát Anh hùng ca trong chương trình biểu diễn nhạc Pháp, có lẽ đây là lần đầu tiên một bài hát tân nhạc được chính thức công diễn trên sân khấu trước đông đảo quần chúng và đã được đón nhận nồng nhiệt. Ông làm dịu đi phản ứng của phái nệ cổ khi khẳng định tân nhạc không tiêu diệt cổ truyền mà là sự phát triển nối tiếp từ nhạc cổ. Ông khéo sử dụng tài trợ của thống đốc Nam Kỳ để thực hiện chuyến lưu diễn đơn thương độc mã từ Nam ra Bắc vào năm 1938 nhằm cổ động cho nhạc cải cách, có người còn gọi cuộc hành trình văn nghệ xuyên Việt này như một sự kiện cách mạng công khai mở màn cho kỷ nguyên tân nhạc. Trong dịp đó, bài Kiếp hoa của ông được nhà thơ Thế Lữ chuyển tới báo Ngày nay và được coi là một trong những ca khúc đầu tiên xuất hiện trên mặt báo. Đầu năm 1939, ông thu bài hát của mình vào đĩa RCA-Victor và gửi sang Thượng Hải sản xuất, không may chiến tranh thế giới bùng nổ và làm thất lạc mất hai bài, chỉ duy nhất Anh hùng ca còn trở về nước. Sau này có lần qua Vinh tình cờ nghe thấy người ta mở đĩa hát Anh hùng ca, ông dừng lại đứng nghe mà chủ nhà chẳng hề hay biết người khách vãng lai kia chính là ca sĩ đang hát trong đĩa.

Bằng chất giọng khỏe vẫn vang, ông hát cho chúng tôi nghe hết bài này qua bài khác, cả tiếng Pháp và tiếng Việt, cả bài Tây và bài ta, bài xưa và bài nay. Và vừa hát vừa kể, rằng thời đó ông đã làm nhiều người Pháp ngạc nhiên ra sao khi nghe ông giải thích sự khác nhau về ngữ điệu giữa nhạc Tây và tiếng Việt bằng cách so sánh vị khác biệt giữa củ khoai tây nhàn nhạt với củ khoai lang không đường mà ngọt, một bài thơ Việt tự nó đã có nhạc điệu rồi, nhạc sĩ Việt phải biết lấy ra từ đó giai điệu phù hợp, vậy nên người Việt viết ca khúc vất vả hơn nhiều so với người Pháp. Thế đấy, bản sắc dân tộc trong sáng tác âm nhạc và mối quan hệ giữa giai điệu với lời ca đã được các vị tiền bối quan tâm ngay từ thuở trứng nước của nền nhạc mới Việt Nam.

- Sự nghiệp âm nhạc của tôi đến đó xem như chấm dứt. Tôi chẳng còn liên quan gì đến âm nhạc. Xung quanh tôi không còn ai bạn bè, cũng không quen biết một nhạc sĩ nào cả, tôi chẳng biết nói chuyện âm nhạc với ai và chẳng có gì hơn để kể nữa.

Đúng là chỉ mình ông còn lại trong tấm hình cách đây mười năm chụp cùng các nhạc sĩ Lê Thương, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương. Nhưng ông đâu có rời bỏ âm nhạc, ông vẫn viết bài hát "cho riêng mình", ông vẫn ca hát và dạy con dạy cháu yêu ca hát, vì thế mà trong gia đình ông chẳng bao giờ thiếu vắng tiếng hát, tiễng đàn. Ngược lại, âm nhạc cũng không rời bỏ ông, vì hay hát mà ở tuổi này ông vẫn hát hay, vẫn minh mẫn, vẫn yêu đời. Hơn thế nữa, tên tuổi ông sẽ còn được nhắc đến trong lịch sử tân nhạc. Tiếng hát ông, hình ảnh ông, câu chuyện của ông mà chúng tôi ghi được trong cuộc gặp gỡ này chắc chắn là tư liệu có một không hai về những năm tháng hình thành nền nhạc mới Việt Nam.

(DNSGCT)

 

Nhớ người khai sinh tân nhạc

(Nguồn: tienphong.vn)

 

TP - 71 năm trước, tại số 39 phố Hàng Quạt, Hà Nội, nhạc sĩ - ca sĩ Nguyễn Văn Tuyên có một chương trình biểu diễn riêng như lời chính thức khai sinh nền tân nhạc Việt Nam hay còn gọi là âm nhạc cải cách hoặc nhạc tiền chiến.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên (1909-2009). Ảnh: Tư liệu

Nguyễn Văn Tuyên là cái tên có lẽ còn xa lạ với quảng đại quần chúng. Song tên ấy lại là mục quan trọng trong giáo trình các trường âm nhạc.

Khoảng những năm 1923-1925, một bộ phận nghệ sĩ tiên tiến thẩm thấu được âm nhạc phương tây, nghĩ ra việc phổ lời ta cho nhạc tây, trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Tới năm 1938, thống đốc Nam kỳ- Pagès tài trợ cho Nguyễn Văn Tuyên một chuyến lưu diễn xuyên Việt đi Huế, Hà Nội, Hải Phòng mục đích truyền bá âm nhạc Pháp gồm những bài hát cổ điển và nhạc nhẹ.

Nguyễn Văn Tuyên lúc bấy giờ là ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng Sài Gòn, năm 1937 từng được giới thiệu hẳn một chương trình riêng trên đài phát thanh ở Sài Gòn.

Ông mày mò sáng tác một số ca khúc được hoan nghênh như Kiếp hoa (thơ Nguyễn Văn Cổn), Bông cúc vàng (thơ Nguyễn Quý Anh), Anh hùng ca. Ông khôn khéo lợi dụng chuyến lưu diễn để giới thiệu những sáng tác mới của mình và biến thành cuộc “vận động cho âm nhạc cải cách”.

Cuộc biểu diễn của ông ngày 9/6/1938 được giới trí thức và âm nhạc Hà Nội đón đợi. Trên báo Ngày nay ra 26/6/1936, Thế Lữ bình luận: “Người ta sốt sắng đến hội Trí Tri như để đón nhận một điều mà người ta thiết tha mong mỏi”.

Nguyễn Văn Tuyên người Huế, sinh 1909, từ nhỏ yêu thích và tự học nhạc tây. Năm 1936 di cư vào Sài Gòn giảng dạy âm nhạc tại trường Lycée Paul Doumer Sài Gòn, là người Việt duy nhất tham gia Hội Ái nhạc.

Chẳng phải Nguyễn Văn Tuyên là người đầu tiên sáng tác ca khúc tân nhạc. Nhưng chỉ khi cuộc biểu diễn của Nguyễn Văn Tuyên xuất hiện và có ảnh hưởng tới công chúng ba miền (cũng theo PGS Nguyễn Thụy Loan), “phong trào sáng tác mới ra công khai, đánh dấu sự ra đời của âm nhạc cải cách”.

Phải nói thêm rằng chính lý do này khiến Nguyễn Văn Tuyên được nhắc tới trong lịch sử âm nhạc Việt Nam với vai trò khai sinh nền tân nhạc, chứ không phải người viết ca khúc tân nhạc đầu tiên.

Còn nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: “Muốn phân tích từng bài hát, từng chủ trương của từng nhóm, từng người làm nên tân nhạc từ cuối thập niên 30 đến giữa thập niên 40 để tìm ra những xu hướng đầu tiên của tân nhạc thì vì tính thời sự của nó, chúng ta phải khởi sự bằng hai trong ba bài hát của Nguyễn Văn Tuyên: Kiếp hoa và Bông cúc vàng”.

Ca khúc của Nguyễn Văn Tuyên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và nhanh chóng nhường đất cho các ca khúc tiền chiến khác.

NGUYỄN QUANG LONG

 

Nguyễn Văn Tuyên - người cổ vũ nền tân nhạc

(Nguồn: phunuonline.com.vn)

 

PNO - Nguyễn Văn Tuyên, qua các tư liệu đã xác thực, đúng là người tiên phong cổ động cho tân nhạc. Chỉ tiếc ông sáng tác không nhiều.

Khoảng tháng 3/2000, một tập bản thảo, gần như là “hồi ký”, của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên (1909-2009) được ông gửi đến tòa soạn báo Phụ Nữ. Trang đầu tiên, ông ghi:

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên

“Kính gửi tòa soạn Báo Phụ Nữ,

Tôi xin gửi kính biếu tòa soạn một tài liệu phiến diện về những ngày đầu của tân nhạc, để về sau, khi vấn đề nguồn gốc của tân nhạc được nêu lên, tòa soạn đã nắm bắt được một phần nội dung của vấn đề”.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi ngọn cờ “tam tài” của Pháp ngạo nghễ bay trên nước Nam, ngoài súng đạn và chính sách cai trị, người Pháp còn đem theo một số loại hình nghệ thuật mới mẻ, trong đó có âm nhạc. Ca khúc đầu tiên được phổ biến rộng rãi là quốc ca Pháp La Marseillaise, rồi đến những Quand Madelon, J’ai deux amours, Venez avec moi… Bên cạnh nguyên bản, ca từ tiếng Pháp của các tác phẩm này cũng được dịch sang tiếng Việt.

Thập niên 1930 xuất hiện trào lưu “Bài ta theo điệu Tây” và người đầu tiên đưa các ca khúc Pháp biểu diễn trong cải lương Việt Nam chính là nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu. Sự kết hợp độc đáo này xuất hiện trong các vở: Giấc mộng cô đầu, Ai là bạn chung tình, Phũ phàng… được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, xem như “bước đệm” kích thích các nhạc sĩ người Việt sáng tác ca khúc theo cấu trúc âm nhạc phương Tây.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên cũng đã sớm ý thức điều này. Trong “hồi ký”, ông Tuyên cho biết sinh ra tại Huế. Từ thuở hoa niên, ông đã tự học nhạc lý qua sách do người Pháp biên soạn. Từ năm 1928, khi làm việc tại Sở Bưu điện Huế, Đà Nẵng, “ở đâu tôi cũng chỉ nghe nhạc Tây”.

Năm 1933, ông Tuyên được đổi lên Đà Lạt. Ngày nọ, người Pháp tổ chức buổi trình diễn ca nhạc. Ông Tuyên đã tham gia và nhờ đó được giới nhạc sĩ người Pháp chú ý. Bà Mayer - giáo sư Trường Petit Lycée Dalat (nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) - còn nhờ ông tập hát cho học sinh, chuẩn bị đón tiếp bác sĩ Yersin lên thăm.

Ba năm sau, ông Tuyên nghỉ việc ở Sở Bưu điện, về sống tại Sài Gòn và dạy nhạc ở Trường Lycéum Paul Doumer tại Chợ Quán. Thời gian này, ngoài học thêm thanh nhạc, thỉnh thoảng ông Tuyên còn hát tại Nhà Hát lớn, Đài Phát thanh Radio Indochine...

Từ thực tế của phong trào “Bài ta theo điệu Tây”, ông Tuyên nghĩ đã đến lúc cần tiến hành cuộc vận động cải cách âm nhạc, đó là vào cuối năm 1937. Thuận lợi lớn nhất của ông là được cả chính quyền lẫn công chúng yêu âm nhạc ủng hộ. Chuyến đi dài ngày từ Nam ra Bắc của ông Tuyên đã tạo nên tiếng vang lớn.

Khi ra Hà Nội, ông diễn thuyết tại Hội Trí Tri (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố). Trên báo Ngày Nay số 116, ra ngày 26/6/1938, nhà thơ Thế Lữ tường thuật trong bài Một hy vọng trong âm nhạc: Nguyễn Văn Tuyên: “Ý kiến của ông, ông thực hiện ngay những bản đàn ông sáng tác ra và sáng tác theo luật âm nhạc thái Tây, tránh được cái giọng buồn bằng phẳng một điệu của đàn xưa mà vẫn giữ được, vẫn diễn đạt được tinh thần và bản lĩnh riêng của đất nước”.

Thế Lữ quả quyết: “Chúng ta chắc rằng, ông sẽ cố gắng cho tới chỗ hoàn thiện, chớ không tự mãn vì những danh vọng rất đích đáng mà ông thấy trong lúc này”. Ngày Nay là tờ báo do nhóm Tự lực văn đoàn chủ trương, có số lượng in lớn, rất uy tín, nên tiếng tăm ông Tuyên càng lan tỏa.

Lâu nay, các nhà nghiên cứu khẳng định, Một kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên là ca khúc đầu tiên được công bố trên báo chí nước nhà. Thật ra, vinh dự này thuộc về nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát với bài Bình minh, phổ thơ Thế Lữ, in trên báo Ngày Nay số 121, ngày 31/7/1938. Đến số báo 122, ngày 7/8/1938, mới in Một kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên. Rồi số 123 in Tiếng đàn sông Hương của Lê Thương.

Một kiếp hoa (Nguyễn Văn Tuyên). Ảnh: sbs.com.au

Một kiếp hoa là tác phẩm phổ thơ Nguyễn Văn Cổn, nhưng do in sót, nên ở số báo Ngày nay 124 có đính chính và in thêm Âm điệu không lời cũng của ông Tuyên. Điều đáng chú ý là trên số báo này, Ngày Nay có lời kêu gọi Cùng các nhạc sĩ: “Việc đổi mới âm nhạc nước ta là một công trình lớn lao và cần thiết”.

Dần dà, người tham gia sáng tác tân nhạc ngày một nhiều và chính thế hệ này đã khiến công chúng tin tưởng vào sự thành công rực rỡ của một loại hình âm nhạc còn non trẻ và mới mẻ.

Trong hồi ký, Phạm Duy viết: “Thấy Nguyễn Văn Tuyên tung hoành như vậy, cùng với Dương Thiệu Tước, các nhạc sĩ trẻ của Hà Nội lúc đó là Thẩm Oánh, Văn Chung, Lê Yên… bèn tung ra những nhạc phẩm hoàn toàn Việt Nam mà họ đã soạn trước khi Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc, nhưng họ hãy còn e dè chưa dám đem ra trước công chúng”.

Nguyễn Văn Tuyên, qua các tư liệu đã xác thực, đúng là người tiên phong cổ động cho tân nhạc. Chỉ tiếc ông sáng tác không nhiều. Trong khi đó, cùng xuất hiện với vai trò tiên phong, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, bên cạnh sáng tác, còn đề xướng dùng kiến thức âm nhạc phương Tây để ký âm, bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống. Nhạc sĩ Lê Thương và nhiều nhạc sĩ cùng thời đã để lại nhiều ca khúc vượt thời gian.

Lê Minh Quốc