Bàn về âm nhạc thời Hùng Vương (2879-258 BC)

Bàn về âm nhạc thời Hùng Vương (2879-258 BC)

Nguồn: LSTV

Tài liệu khảo cổ học thu thập được trong các di chỉ, mộ táng, cùng những di vật phát hiện ngẫu nhiên của thời Hùng Vương liên quan đến nghệ thuật âm nhạc của thời đó, gồm những nhạc khí là vật thật và những hình ảnh của nhạc khí cùng sinh hoạt âm nhạc, chạm khắc trên các đồ đồng cổ. Đấy là những bằng chứng khá chắc chắn cho biết rằng ở thời Hùng Vương ít nhất cũng đã có những nhạc cụ thuộc hai bộ gõ và hơi – nói theo cách phân loại nhạc khí ngày nay. Nhạc cụ gõ gồm có các loại trống đồng, trống da, các loại cồng chiêng, các loại chuông nhạc và các loại sênh phách. Nhạc cụ hơi gồm có các loại khèn. Dùng những tài liệu khảo cổ học làm cơ sở, kết hợp với tài liệu âm nhạc học (lịch sử âm nhạc) và dân tộc học so sánh, có thể bước đầu khôi phục lại những nhạc khí ấy.

Trống đồng

Là một thứ nhạc khí tiêu biểu và điển hình về nhiều mặt của thời Hùng Vương. Tiêu biểu cho kỹ thuật sản xuất, tiêu biểu cho tình trạng xã hội, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình của người thời Hùng Vương. Nhưng trước hết, đó là một thứ nhạc khí tiêu biểu. Đặc trưng điển hình của nó là một nhạc cụ gõ, khai thác tiếng vang của kim loại, về mặt này nó cũng giống như cồng chiêng. Nhưng nó còn có đặc trưng là sự phát triển kéo dài bộ phận gờ thành của chiêng, khiến cho nó trở thành một vật chứa đựng, cộng hưởng và truyền âm thanh rất độc đáo, mà sự cấu tạo của những chiếc trống đồng cổ nhất, gồm 3 phần rõ rệt, là sự phản ảnh tiêu biểu. Đặc trưng thứ 3 gắn bó với 2 đặc trưng trên là quy mô to lớn của cái thùng cộng hưởng độc đáo ấy.

Xem cách cấu tạo như vậy của trống đồng thì thấy rằng chức năng chính của trống là tạo nên những âm thanh hùng vĩ.

Dụng ý của người làm và sử dụng trống là có ý muốn gây ra sự âm vang, náo động. Điều này, những tài liệu dân tộc học và văn học dân gian có thể giúp cho thấy thêm, qua những cách khác nhau mà một số nhà nghiên cứu đã quan sát được ở những người sử dụng trống thời cận hiện đại khi họ cố gắng tìm cách khuếch đại âm thanh của nhạc cụ này, như: hoặc đào thêm hố cộng hưởng dưới đất, hoặc đánh trống trên mặt nước, hoặc chao đảo các vật hình phễu ở phía sau thùng trống… và qua những truyền thuyết cùng những truyền thuyết cùng những trường hợp sử dụng trống như: trống sấm, trống cầu đảo, trống trận, trống hội, trống hiệu lệnh, v.v…

Trống da

Không còn lại hiện vật thật, nhưng hình ảnh của nó thấy rất rõ trên các tác phẩm chạm khắc thời Hùng Vương. Có 2 trường hợp xuất hiện trống da: đặt trên thuyền chiến (cũng có trống đồng) và đặt trên nhà sàn. Hình trống giống hệt như trống đại hoặc trống bản và trống khẩu cận đại. So sánh tỷ lệ người dùng được thể hiện ở ngay cạnh trống thì thấy kích thước các loại trống da là khoảng từ 15 đến 30cm đường kính và từ 20 đến 40cm chiều cao.

Tất cả những trường hợp xuất hiện trống da đều cho thấy nhạc cụ được đặt hoặc gắn liền với vật nâng đỡ hình trụ đứng thẳng. Và các trường hợp sử dụng trống da đều cho thấy nhạc cụ được đặt nằm và đánh ngang vào một mặt. Công dụng của trống da trong các trường hợp sử dụng ấy là: dùng làm hiệu lệnh cho thuyền hoặc làm nghi lễ trên thuyền và dùng làm nhạc cụ đệm cho ca hát gái trai hoặc tín ngưỡng trong nhà sàn.

Cồng chiêng

Những nhạc cụ này thấy chạm khắc trên những chiếc trống đồng cổ nhất. Đó là những vật tròn có núm ở giữa, kích thước khoảng 20cm đường kính treo thành giàn trong những ngôi nhà sàn nhỏ, thấp, mái hình mui thuyền. Ở trống đồng Ngọc Lũ, trong mỗi ngôi nhà như thế có 2 giàn cồng chiêng ở 2 bên, mỗi giàn 7 hoặc 8 chiếc, ở giữa là 1 người dùng dùi đảnh cả 2 giàn nhạc này cùng một lúc.

Ở người Việt, cồng chiêng chỉ được dùng đơn chiếc, đi kèm với trống đại, có công dụng của một thứ nhạc cụ điểm nhịp, dùng trong nghi lễ đình đám… Nhưng ở nhiều dân tộc Việt Nam, đặc biệt là Mường và Tây Nguyên, cồng chiêng thường được sử dụng cả bộ từ 5 chiếc trở lên, có bộ thì dùng để đánh giai điệu, có bộ dùng để đánh đệm, từ nhỏ đến to, từ trầm đến cao, chủ yếu dùng trong các ngày vui chơi hội hè của dân gian, ở nhiều giàn cồng Mường hiện đại, rất đáng chú ý là vẫn còn giữ được số lượng 8 chiếc của bộ cồng, như đã thấy của thời Hùng Vương.

Chuông nhạc

Loại nhạc khí này tìm được rất nhiều trong các di chỉ và mộ táng thời Hùng Vương. Nhóm này gồm có 2 kiểu: kiểu 1 thường có kích thước nhỏ, độ dài từ 5 đến 15cm, có quả lắc ở trong. Đây là một thứ nhạc cụ sử dụng theo hướng lắc để tạo âm thanh. Cũng như cồng chiêng, loại nhạc khí này thường thấy đi với nhau thành một chùm, từ 2 chiếc, to nhỏ và độ trầm bổng khác nhau, xâu hoặc mắc vào các vòng đồng hoặc tấm đồng. Quả lắc được tạo thành, có thể do yêu cầu của múa, để tạo cho động tác uyển chuyển khi lay rung nhạc? Trong múa dân gian ngày nay vẫn còn các hình thức múa nhạc khá phổ biến. Chuông có quả lắc cung có thể treo trên cày hoặc treo vào những vật có tính chất chuyển động để tự nó tạo ra âm thanh, và cũng có thể treo vào cổ súc vật như hiẹn nay ta vẫn thấy treo vào cổ trâu ở miền núi.

Kiểu thứ 2 có kích thước lớn hơn, dài từ 25 đến 35cm, miệng hình bầu dục, không có quả chuông. Đây là một thứ nhạc khí dùng cách gõ để tạo thành những âm thanh. Chẳng những đã tìm thấy hiện vật, mà hình ảnh trung thành của loại chuông gõ này còn thay hiện trên trống đồng: trong bộ quần áo ngày hội, người xưa vừa múa vừa gõ loại chuông này.

Sênh phách

Nhiều hình người trên các trống đồng cổ nhất, trong bộ trang phục ngày hội vào trong tư thế múa, cũng còn cầm ở tay một vật hình trụ, dài khoảng 50 – 60cm. Đó có thể là một loại sênh – gọi theo tiếng Việt hiện đại. Đúng hơn thì đây là hình ảnh của một loại nhạc cụ mà đến thời cận hiện đại đồng bào Xá còn giữ được. Tiếng dân tộc gọi là “hươn mậy”. Đó là những ống nứa vát một đầu. Phần tay cầm có dùi thêm 1 lỗ nhỏ để điều chỉnh âm thanh. Dân tộc Xá chỉ sử dụng “hươn mậy” trong múa hoặc để đánh trong lúc đi rừng cho vui tai. Khi múa, người biểu diễn đập thứ nhạc cụ này vào tay, vào đùi, để tạo ra âm thanh và như vậy tạo thành những động tác múa. Đây là một thứ nhạc cụ thô sơ, tự nhiên, khi cần dùng, người ta chặt nứa tươi ở rừng để làm, dùng xong lại quăng đi.

Cũng trên trống đồng, chúng ta còn thấy nhiều hình người, một tay cầm “hươn mậy” hoặc cây giáo gài bông lau, còn tay kia, từ đốc bàn tay, tỏa ra hai vật như 2 thanh tre thẳng dài xấp xỉ nhau, khoảng 20 – 30cm. Hình này đã được chủ ý thể hiện cho khác với những hình bàn tay múa, có đường cong dẻo. Đó có thể là những chiếc phách tre. Truyền thống vừa gõ phách vừa múa vẫn còn được bảo lưu mãi về sau ở người Việt.

Khèn

Tình hình tư liệu hiện nay chỉ mới cho biết đây là thứ nhạc cụ duy nhất thuộc bộ hơi, chắc chắn có trong thời Hùng Vương. Hình ảnh của nó chẳng những được giữ lại trên hình chạm khắc của các cổ vật bằng đồng, mà còn thay ở trên các khối tượng tròn, tìm được ở nhiều nơi khác nhau.

Qua những cứ liệu khảo cổ học như thế, có thể thấy nhiều kiểu khèn khác nhau ở thời Hùng Vương. Cho đến thời cận hiện đại, nhiều dân tộc Việt Nam như Mèo, Thái, Mường, Tày Nguyên… vẫn còn giữ được cây khèn. Chiếc khèn Mèo gồm 6 ống ghép lại với 1 bầu, có ống thổi kéo dài. Khèn Thái gồm 8 ống ghép với 1 bầu có ống thổi ngắn. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã cho chúng tôi biết là người Việt thời cận đại cũng có nơi dùng khèn trong đám rước. Theo sự nghiên cứu của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) thì trong bộ nhạc khí của triều đình thời Lê sơ (thế kỷ XV) cũng có khèn. Sách Lĩnh biểu lục dị của Trung Quốc cũng nói: “Người Giao Chỉ thường lấy quả bầu không cuống, cắm 13 cái ổng nức vào làm cái sinh, trên đầu gắn 13 miếng đồng mỏng làm lưỡi gà để thôi, tiếng nghe trong trẻo và khớp với tiếng luật lệ”. Rõ ràng đây là cái khèn. Như vậy là người Việt cũng có khèn. Còn những chiếc khèn thời Hùng Vương qua hình ảnh để lại, có từ 4 đến 6 ống, và có nhiều chiếc thuộc loại bầu dài, cũng có cả những chiếc thuộc loại bầu ngắn.

Khèn là một loại nhạc cụ hơi phức hợp, công dụng khá phong phú, dùng trong buổi lễ, hội hè và tình tự của gái trai, v.v. Vật liệu làm khèn là những thứ dân gian rất quen thuộc: quả bầu, ống trúc với lá mía bằng đồng hoặc lá cây. Từ những chất liệu này, chắc chắn có trong thời Hùng Vương, điều quan trọng là người xưa đã khéo léo gắn bó chúng lại với nhau thành một nhạc cụ độc đáo, phức tạp, có thể một lúc phát ra một chùm âm thanh vừa có phần giai điệu vừa có phần đệm, tất nhiên là với mức độ đơn giản. Nhưng điều này cũng nói lên trình độ thẩm âm của người xưa khá tinh tế, sáng tạo và cảm thụ được phần nào cái đẹp của sự hòa hợp âm thanh.

°°°

Ngoài những nhạc khí mà tư liệu khảo cổ học đã cho thấy chắc chắn là sản phẩm nghệ thuật của thời Hùng Vương, còn có thể dùng một số phương pháp suy luận để bước đầu đoán định về sự tồn tại của một nhạc khí và hình thức sinh hoạt âm nhạc khác nữa ở thời kỳ này, mà từ lâu khảo cổ học hiện có đã không thể phản ảnh hết, hoặc khó có thể phản ảnh hết được.

Trống đồng, trống da, cồng chiêng, chuông nhạc, sênh, phách và khèn, được khẳng định sự tồn tại của chúng ở thời Hùng Vương, như vừa trình bày, là nhờ còn vật thật và hình ảnh chạm khắc để lại. Nhưng có thể còn có những nhạc khí bằng chất liệu kém bền hơn đồng thau, nên đã không thể lưu giữ được đến ngày nay, hoặc nếu nghĩ rằng những hình ảnh chạm khắc hiện có về các nhạc khí thời Hùng Vương, chỉ phản ánh được một phần các nhạc khí thời đó, và nếu nghĩ rằng có nhiều hình thức sinh hoạt âm nhạc, như hát xưởng chẳng hạn, rõ ràng không thể tìm ở tư liệu khảo cổ học – thì chúng ta cần cố gắng tìm cách dần dần khôi phục lại cho đầy đủ những nhạc khí và hình thức sinh hoại âm nhạc khác nữa, chắc chắn là phong phú, của thời Hùng Vương.

Dưới đây là vắn tắt một vài thể nghiệm suy đoán và kết quả giả định.

Về các nhạc khí, trước hết, có thể đoán định về sự tồn tại của cây sáo ở thời Hùng Vương. Những cây sáo nguyên thủy (bằng xương ống) đã được lịch sử âm nhạc cho biết nó xuất hiện cách ngày nay mấy vạn năm, từ hậu kỳ thời đại đá cũ. Xét cấu trúc của chiếc khèn thì thấy rằng nhạc khí này cũng có nhiều ống tương tự như ống sáo ghép lại. Vậy, ở thời Hùng Vương, rất có thể cũng đã tồn tại những cây sáo, dĩ nhiên là còn thô sơ.

Những “nhạc cụ” khá thô sơ khác, đã có từ thời nguyên thủy, và còn tồn tại cho đến ngày nay ở Việt Nam, như những chiếc tù và, kèn lá, cọng rơm, ống đu đủ, sâu kèn…, thì ở thời Hùng Vương cũng có thể được sử dụng.

Những chiếc đàn gỗ, kiểu như đàn tơ-rưng, nếu được coi là nhạc cụ đặc trưng và phổ biến của Đông Nam Á, và ngày nay vẫn còn có một vị trí quan trọng ở Tây Nguyên; nếu sát ngay trước thời Hùng Vương, đã có những cây đàn đá đồng dạng, như vừa được phát hiện ở Tây Nguyên, thì có thể những nhạc cụ như thế đã tồn tại ở thời Hùng Vương.

Những chiếc đàn đất mà sau này trở thành những chiếc trống quân, tạo âm thanh bằng cách đánh vào một sợi dây căng trên một thùng cộng hưởng đào ngay xuống đất, đã được lịch sử âm nhạc khẳng định là một nhạc khí rất cổ của Đông Nam Á. Chưa tìm thấy cụ thể những đàn dây như vậy, song đó cũng là điều cần chú ý tìm tòi, nghiên cứu sau này.

Về thanh nhạc, trước hết, cũng có thể đoán định về một số điệu hát trong lao động, vổn là những hình thức sinh hoạt có từ rất sớm mà hò chèo thuyền là một ví dụ. Tục thi bơi thuyền chắc chắn có ở thời Hùng Vương, ở hoạt động thể thao khẩn trương này, chỉ cần một dầm bơi sai nhịp là không những thuyền không đi được, mà còn có thể đắm. Bởi vậy, ở những chiếc thuyền bơi thi đang lao nhanh mà trống đồng mang hình ảnh, nếu không thấy có người cầm nhạc cụ gõ (trống, mõ) thì chắc chắn là phải có người đang lên tiếng hò để bắt nhịp hoặc ra hiệu lệnh, thống nhất động tác, điều hòa nhịp thở – như đã thấy rất phổ biến ở các hội bơi chải sau này. Những điệu hò hát khi làm ruộng, đốn gỗ, chài lưới…, cũng có thể đã tồn tại ở thời Hùng Vương theo những cung cách tương tự như thế.

Nói đến đời sống tâm hồn, tình cảm và tài năng trí tuệ của người thời Hùng Vương, không thể không nghĩ đến những điệu hát ru con và hát đối đáp của trai gái, trong đó, ta thấy có động tác giao tay (và chân) được in lại trên trống đồng.

Chỉ với một số nhạc khí và hình thức sinh hoạt âm nhạc vừa được trình bày dựa trên những bằng cứ chủ yếu của khảo cổ học, cũng đủ để thấy rằng đã qua rồi, thời mà những tiếng động thô sơ tự nhiên (tiếng đập đá, tiếng gió lùa qua khe núi, tiếng hú, tiếng hát, tiếng giẫm chân, đập tay của con người…) gợi lên hay chính là sinh hoạt âm nhạc của xã hội. Đến thời Hùng Vương, một nền âm nhạc do con người xúc cảm và suy nghĩ, chủ động sáng tạo, đã ra đời. Ca hát, nhạc khí và cả múa nữa, gắn bó với nhau, về ca hát, đặc biệt là những hình thức hò chèo thuyền, hát đối đáp gái trai, hát ru, qua suy luận thấy chắc chắn là đã phát triển ở thời Hùng Vương. Tuy nhiên trước tiên hãy chỉ xem xét ở đây vấn đề nhạc khí.

Sự phát triển của bộ gõ là đặc điểm đầu tiên dễ nhận ra. Đây là điều bình thường trong lịch sử âm nhạc, ở vào một thời gian cổ như thế. Ngay cả đến ngày nay, ở nhiều miền trên thế giới, bộ gõ vẫn còn là thành phần chính yếu, nền tảng của âm nhạc, ở nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, bộ gõ có vai trò quan trọng. Từ một chiếc trống da, người sử dụng có thể biểu diễn bằng nhiều hình thức khác nhau: khi đánh vào giữa mặt trống, khi đánh vào cạnh mặt trống, khi vào tang trống, khi bịt tay lên mặt trống để đánh, khi đánh 1 dùi, khi đánh 2 dùi, khi rung, khi điểm… đã tạo nên những tiết điệu, những màu sắc âm thanh thật là phong phú và độc đáo. Nhà nghiên cứu âm nhạc, Giáo sư Trần Văn Khê ở Pháp nhận xét rằng về mặt tiết tấu, tiết điệu, âm nhạc Việt Nam có phần còn phong phú hơn cả của Ấn-độ là một nước có truyền thống về bộ gõ ở phương Đông. Riêng tiếng trống của ta được sử dụng trong sân khấu cổ truyền đã có hàng vài chục điệu và mỗi điệu như vậy đều mang theo một nội dung khác nhau. Nếu chú ý đến những nét khắc vạch, những đường gãy khúc là những yếu tố hoa văn trang trí rất phổ biến ở thời Hùng Vương (thứ ngôn ngữ tạo hình này chính là sự đồng nhất với tiết tấu, với bộ gõ trong ngôn ngữ âm nhạc) cộng với sự giàu có của những nhạc cụ tạo tiết tấu chắc chắn có ở thời Hùng Vương, như đã thấy, có thể nghĩ rằng chính là ở nền âm nhạc thời Hùng Vương, cái truyền thống đầu tiên của bộ gõ và tiết tấu trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã được ổn định. Một điều đáng chú ý nữa ở đây, chính là xu hướng nâng cao, làm phong phú thêm cho âm nhạc bằng phương thức góp chung lại các thành tố khác nhau của âm thanh.

Xu hướng này thể hiện ra trước hết ở cách làm tăng âm lượng và mở rộng tầm cỡ âm thanh qua những hình dáng cấu trúc của nhạc cụ thời Hùng Vương. Cùng một lúc, người xưa sử dụng với số lượng cao, với nhiều âm thanh trầm bổng khác nhau cùng một thứ nhạc cụ. Việc này làm tăng thêm âm lượng và kết hợp sự hài hòa của nhiều âm thanh, có tác dụng biểu hiện và truyền cảm mạnh mẽ. Hình ảnh hợp tấu của một giàn từ 2 đến 4 chiếc trống đồng, từ 2 đến 5 chiếc nhạc đồng hoặc từ 8 đến 16 chiếc cồng là những ví dụ cụ thể. Bằng cách này có thể đạt kết quả là những chùm âm thanh có thể giống nhau, đã được phóng đại lên, nâng cao hẳn về âm lượng. Nhưng muốn có 2 âm thanh trùng nhau cũng không phải là việc dễ dàng về mặt kỹ thuật và tai nghe. Đó là chưa kể đến những khó khăn và yêu cầu của việc hòa thanh hàng loạt nhạc cụ định âm, có những âm thanh khác nhau, để tạo thành những giai điệu trong khi hòa tấu. Nếu việc này đã thật sự xảy ra thời Hùng Vương, thì hiển nhiên là điều rất đáng chú ý.

Cách biểu hiện thứ hai, là cách “phối khí” của người thời Hùng Vương: cùng một lúc, sử dụng với số lượng cao, với nhiều âm thanh, âm vực, âm sắc và cả âm lượng nữa, nhiều nhạc cụ khác nhau. Chúng ta đã thấy chắc chắn hình ảnh của 3 người nối nhau trong một nhóm múa (có thể có hát nữa) sử dụng 3 nhạc khí khác nhau: chuông, khèn và senli, thể hiện trên trống đồng. Nếu hình đúng các hình chạm khắc trên trống đống là đều thuộc về một chủ đề thống nhất như có người đã nêu, thì rõ ràng chúng ta thấy cùng một lúc, đã vang lên những âm thanh phong phú biết bao của cả trống đồng, trống da, cồng chiêng, chuông nhạc, sênh phách lân khèn sáo và tiếng hát của con người!

Nhìn vào toàn bộ các nhạc cụ thời Hùng Vương như thế, hay chỉ nhìn vào một nhạc cụ là một chiếc khèn cũng thấy xu hướng nâng cao, làm phong phú cho âm nhạc bằng đồng âm, hòa âm hay hòa tấu của người Hùng Vương. Và chính đây là chỗ đánh dấu một trình độ phát triển xã hội và một trình độ tư duy, qua nghệ thuật âm thanh của con người thời đó.

°°°

Trong tiến trình lịch sử âm nhạc Việt Nam, cả lịch sử văn hóa và dân tộc Việt Nam, từ sau thời Hùng Vương, chúng ta thấy nổi lên rất rõ vai trò của nhiều nhạc khí từ thời Hùng Vương. Chẳng hạn, trống đồng đã từng làm cho sứ giả nhà Nguyên sợ đến bạc tóc ở thời Trần, và đã mang cả khí thế chiến thắng của dân tộc trong khúc Bình Ngô phá trận ở thời Lê. Còn giàn cồng, chiêng, khèn (và có thể cả giàn tơ-rưng), nếu ở thời Hùng Vương, căn cứ vào bản đồ phân bố những tư liệu khảo cổ học phản ánh sự có mặt của những nhạc khí này đã thấy là khá phổ biến suốt vùng đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, bắc Trung Bộ, thì những tài liệu dân tộc học cũng đều đã cho thấy vai trò quan trọng như thế nào của những nhạc khí này ở khắp vùng núi Bắc Bộ, bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Có thể đây là những nhạc cụ dân tộc chân chính với ý nghĩa đặc sắc là truyền lại từ thời Hùng Vương. Đồng thời, ở một ý nghĩa nhất định, có thể xem đây là những biểu hiện của đặc trưng dân tộc tính, qua sinh hoạt âm nhạc của chúng ta.

 

Nguyễn Hữu Thư, Lê Văn Lan