Lược sử Tân nhạc Việt Nam - Phần 3 (1975 đến nay)

Lược sử Tân nhạc Việt Nam - Phần 3 (1975 đến nay)

Giai đoạn 1975 đến nay

Trước mở cửa

Sau khi Việt Nam thống nhất, nền Tân nhạc Việt Nam có nhiều thay đổi thăng trầm. Để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, Việt Nam đã tiến hành cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng và đấu tranh cải tạo công thương nghiệp, cải cách ruộng đất. Trong nước các dòng nhạc vàng bị cấm hoàn toàn vì không phù hợp với chủ trương chính trị, các ca sĩ nhạc vàng được khuyến khích chuyển sang hát nhạc truyền thống cách mạng (nhạc đỏ). Nhiều bài hát tiền chiến và tình ca bị hạn chế lưu hành. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra.

Đề tài sáng tác chủ yếu trong giai đoạn này là:

  • Ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh: có các bài hát tiêu biểu như: Viếng lăng Bác, Miền Nam Nhớ mãi ơn người, Lời Bác dặn trước lúc ra đi,...
  • Ca ngợi Đảng: Đảng đã cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên),...
  • Ca ngợi chiến công lẫy lừng của cuộc kháng chiến như: Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý); 40 thế kỷ cùng ra trận, Tổ quốc yêu thương,...
  • Tình yêu quê hương đất nước và tình yêu lứa đôi: Quê hương (Giáp Văn Thạch, phổ thơ Đổ Trung Quân); Đất nước lời ru (Văn Thành Nho); Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng); Huyền thoại Mẹ (Trịnh Công Sơn); Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn); Thuyền và Biển (Phan Huỳnh Điểu); Gửi em chiếc nón bài thơ (Lê Việt Hòa); Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến), Tình ca Tây Nguyên, Màu áo trắng và màu tím Huế, Chia tay với chùa Hương, Hát ru (Hoàng Vân);...
  • Ca ngợi và phát động các phong trào lao động tập thể như: Đêm rừng Đắc Min (Nguyễn Đức Trung); Em nông trường anh ra biên giới (Trịnh Công Sơn), Hồ núi Cốc (Phó Đức Phương); Trị An âm vang mùa xuân (Tôn Thất Lập); Tàu anh qua núi (Phan Lạc Hoa); Đêm thành phố đầy sao (Trần Long Ẩn); Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Mùa xuân từ những giếng dầu (Phạm Minh Tuấn), Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện), Bài ca xây dựng, Bài ca người thợ mỏ, Tình ca Vũng Tàu (Hoàng Vân);...

Các nhạc sĩ tiêu biểu trong giai đoạn này là: Diệp Minh Tuyền, Hoàng Vân, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thế Hiển, Nguyễn Nam, Nguyễn Văn Hiên, An Thuyên, Phó Đức Phương, Phong Nhã, Trần Tiến, Nguyễn Ngọc Thiện...

Đặc biệt, Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Trần Tiến chịu ảnh hưởng của phong trào du ca trước năm 1975 nên đã có nhiều sáng tác mới lạ thời bấy giờ nên được công chúng yêu nhạc đón nhận với các ca khúc: Mặt Trời bé con, Tùy hứng lý qua cầu, Tạm biệt chim én,...

Các ca sĩ thành danh như: Cẩm Vân, Bảo Yến, Nhã Phương, NSƯT Quang Lý, Tuấn Phong, Cao Minh, Thế Hiển, Trần Tiến,...

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ. Hội Âm nhạc Việt Nam được thành lập. Hằng năm đều tổ chức nhiều chuyến du khảo hội trại sáng tác theo những chủ đề do nhà nước đặt hàng.

Các trường âm nhạc, văn hoá nghệ thuật được quan tâm thành lập tuy nhiên chỉ mới dừng lại ở quy mô dạy dòng nhạc thính phòng cổ điển và âm nhạc tuyên truyền.

Nhiều văn nghệ sĩ có cơ hội giao lưu học tập tại Liên Xô (Nga) đã du nhập nhiều bản nhạc Liên Xô được hát bằng tiếng Nga hoặc dịch ra lời Việt: Triệu đóa hoa hồng (Cẩm Vân trình bày), Chiều hải cảng, đôi bờ, Cây thùy dương,...

Sau Đại hội Đảng lần VI đề ra chủ trương đổi mới tư duy, xóa bao cấp, văn hóa nghệ thuật được cởi mở, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) đã tổ chức các cuộc thi Tiếng hát truyền hình tạo cơ hội cho nhiều ca sĩ trẻ thành danh như: Như Quỳnh, Như Hảo, Thanh Thúy, NSƯT Tạ Minh Tâm,...

Hội thi Tiếng hát Hoa Phượng Đỏ dành cho lứa tuổi học sinh.

Tại miền Nam, nhiều bài hát từ các nước phương Tây được các ca sĩ trình bày lời ngoại ngữ và lời Việt (do Khúc Lan dịch): Tình cha (Phương Thảo)... Đặc biệt là phong trào hát nhạc Hoa lời Việt với các ca sĩ: Minh Thuận, Nhật Hào, Tú Châu, Lam Trường,...

Nhạc tình ca (còn gọi là nhạc sến do đa số viết theo điệu Bolero và có giai điệu buồn với nội dung chủ yếu là mô tả tâm trạng thất tình) được tiếp tục phát triển với các nhạc sĩ như: Vinh Sử, Hàn Châu... với các giọng ca: Đình Văn, Ngọc Sơn, Chế Thanh, Thùy Dương,...

Nhiều Trung tâm băng nhạc được thành lập như: Bến Thành AV, Sài Gòn Audio, Hãng Phim trẻ, Kim Lợi Studio, Trùng Dương AV...

Hải ngoại

Các nhạc sĩ của Sài Gòn sau 1975 định cư tại nước ngoài vẫn tiếp tục sáng tác và cùng với những nhạc sĩ trẻ hơn đã tạo nên dòng nhạc hải ngoại. Tại hải ngoại, cũng xuất hiện nhiều trung tâm phát hành băng đĩa nhạc như: Thúy Nga, Asia, Làng văn,... Nổi bật nhất là trung tâm Thuý Nga với loạt đĩa chủ đề "Paris By Night" được thực hiện nghiêm túc, giàn dựng công phu, mang nhiều giá trị nghệ thuật được giới yêu nhạc đánh giá cao.

Những nhạc sĩ tên tuổi đầu tiên rời Việt Nam khoảng cuối năm 1975. Trong những năm đầu, một chủ đề sáng tác chính của họ là nỗi nhớ quê hương và Sài Gòn như Nam Lộc với Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt; Khi xa Sài Gòn (Lê Uyên Phương); Đêm nhớ về Sài Gòn (Trầm Tử Thiêng);... Chủ đề thân phận lưu vong cũng được nói đến với Tị nạn ca (Phạm Duy); Người di tản buồn (Nam Lộc); Ai trở về xứ Việt (Phan Văn Hưng); Một chút quà cho quê hương (Việt Dũng);...

Sau mở cửa

Vào năm 1996 bắt nguồn từ giải thưởng âm nhạc Làn Sóng Xanh do Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Người đoạt giải là ca sĩ Lam Trường với ca khúc Tình thôi xót xa (Bảo Chấn) khiến trào lưu nhạc trẻ ra đời với hàng loạt ca khúc thành công sau đó như: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Bên em là biển rộng, Giọt sương trên mí mắt, Hôn môi xa, Tình em ngọn nến,... góp phần đưa hàng loạt ca sĩ trẻ nổi danh như: Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Thu Phương, Quang Linh, Quang Dũng, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Đức Tuấn, Tuấn Hưng, Phương Thanh, Thanh Thảo, Hiền Thục, Đan Trường, Cẩm Ly,...

Nhạc sĩ trẻ Hoài An đoạt giải thưởng từ cuộc thi sinh viên với bài hát Tình thơ với phần hòa âm mới lạ hiện đại lúc bấy giờ đã làm thay đổi quan điểm âm nhạc Việt Nam: phần nhạc dạo đầu bài hát và phần hòa âm phối khí được chú trọng hơn so với trước đây làm cho ca khúc Việt Nam trở nên hiện đại hơn, hay hơn.

Tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều nhạc sĩ hòa âm phối khí như: Quốc Dũng, Bảo Chấn, Sỹ Dan, Tùng Châu, Quốc Trung, Mạnh Trinh, Trần Thanh Tùng, Quang Phúc, Đức Trí, Hoài Sa, Lê Quang, Lý Huỳnh Long,... Nghề mix nhạc (DJ) cũng xuất hiện.

Bên cạnh đó dòng nhạc dân ca phát triển mạnh mẽ: Vọng cổ buồn (Minh Vy), Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang (Vũ Đức Sao Biển), Quê em mùa nước lũ (Tiến Luân), Duyên phận (Thái Thịnh),...

Vài ca sĩ Việt Nam có hoài bão vươn ra thị trường âm nhạc thế giới và đã đạt được một số thành công ban đầu: Mỹ Tâm được đài truyền hình ABC xếp hạng 6 trong số các ca sĩ châu Á thành công nhất, Hồ Quỳnh Hương đoạt giải Liên hoan âm nhạc tại Bình Nhưỡng.

  • V-Pop

Thành công với các ca khúc nhạc trẻ mà báo chí ngưỡng mộ, cái tên phát triển cho ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả trẻ, vào năm 2008, cái tên V-pop đã xuất hiện làm cho nhiều thần tượng và khán giả rất tò mò. Đặc biệt là sự nổi lên của làn sóng nhạc Hàn Quốc, nên nhiều ca sĩ đã bắt chước model của Hàn Quốc và các giai điệu âm nhạc của nó.

Đến năm 2017, dòng nhạc trẻ đã trở nên phổ biến toàn Việt Nam, ở Youtube, nhiều bài hát đã đạt được 100 triệu lượt xem, như Vợ người ta (Phan Mạnh Quỳnh), Bống bống bang bang (Only C),...

Đối lập với dòng nhạc trẻ đang phát triển mạnh tại Việt Nam, thì dòng nhạc dân tộc truyền thống ngày càng đi xuống như: cải lương, quan họ, chèo, ca trù,... cùng với đó là dòng nhạc dân ca. Hầu như những người thích dòng nhạc dân tộc truyền thống và dân ca đều là khán giả lớn tuổi, xuất thân từ gia đình có truyền thống âm nhạc,...

Tại hải ngoại, giữa thập niên 1980, các nhạc sĩ bắt đầu bỏ chủ đề "phục quốc kháng chiến" quay lại viết các bản tình ca. Ở giai đoạn này, những nhạc sĩ tiêu biểu có thể kể đến Đức Huy với Và con tim đã vui trở lại, Đừng xa em đêm nay; Trần Quảng Nam với Mười năm tình cũ; Hoàng Thanh Tâm với Tháng sáu trời mưa; Trúc Hồ với Trái tim mùa đông; Ngọc Trọng với Buồn vương màu áo; Trịnh Nam Sơn với Dĩ vãng, Quên đi tình yêu cũ;... Ngô Thụy Miên tại hải ngoại cũng có nhiều sáng tác, trong đó nổi tiếng hơn cả là Riêng một góc trời viết năm 1997. Kể từ khi trong nước đổi mới, các ca sĩ và nhạc sĩ ở hải ngoại được về nước biểu diễn đã tạo nên sự giao thoa (trao đổi nghệ thuật) về âm nhạc giữa trong và ngoài nước, có nhiều ca khúc trong nước được các ca sĩ hải ngoại biểu diễn rất thành công và ngược lại. Nhiều ca sĩ trẻ nổi danh như: Lưu Bích, Như Quỳnh, Quang Lê, Trần Thái Hòa, Ngọc Hạ,...

Nguồn: Wikipedia

 

Bài đọc thêm:

Định hướng âm nhạc trong giới trẻ

QĐND - Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Cùng với dòng chảy của thời gian, thị trường âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều thể loại, như: Pop, ballad, bolero, R&B, rock… Để giới trẻ tiếp nhận dòng nhạc chính thống, mang đậm bản sắc dân tộc và lành mạnh, cần phải có định hướng đúng đắn và kịp thời.

Nỗi lo với "nhạc thị trường"

Nhạc trẻ hiện nay đang trong xu hướng phát triển và có nhiều thay đổi, với sự bùng nổ của các ca khúc mang tính tự phát cao. Nhiều "ca sĩ, nhạc sĩ" tên tuổi lạ lẫm xuất hiện khi tài năng còn hạn chế. Trong khi đó, thị hiếu âm nhạc của giới trẻ cũng dễ dãi hơn so với trước đây, nhiều người nghe nhạc theo “trào lưu”.

Những năm gần đây, vì mải chạy theo thị trường mà nhiều ca khúc mất đi tính nghệ thuật và gây ảnh hưởng xấu tới thị hiếu âm nhạc của một bộ phận giới trẻ. Nhiều hiện tượng âm nhạc nổi lên bằng cách mua vui cho mạng xã hội như Lệ Rơi, Tùng Sơn… trở thành trào lưu rẻ mạt cho một bộ phận giới trẻ học theo…

Một tiết mục âm nhạc truyền thống phục vụ giới trẻ.

Từ khi thị trường âm nhạc Việt Nam xuất hiện dòng nhạc teen thì thể loại này thường xuyên ngự trị trên internet, rồi nhanh chóng lên sàn diễn. Với những ca từ dễ dãi, kết hợp với việc ăn mặc hở hang, uốn éo trên sân khấu, các "ca sĩ" ở thể loại này thi nhau lũng loạn nghệ thuật bằng các vụ lùm xùm lẫn scandal, như: Hát nhép, ăn mặc sexy để câu khán giả hay tung ra những sản phẩm mà nhiều người cho là “thảm họa” âm nhạc... Sau những vụ scandal, khán giả “nóng mặt” trong khi hình ảnh của các "ca sĩ" này xuất hiện với tốc độ chóng mặt ở khắp nơi, kèm theo đó là giá “cát sê” tăng vù vù.

Với xu hướng thưởng thức âm nhạc như hiện nay, liệu những tác phẩm âm nhạc mang tính dân tộc, dân gian truyền thống có bị giới trẻ và xã hội lãng quên không? Đây là một câu hỏi đáng để những người làm công tác văn hóa-nghệ thuật trăn trở và tìm kiếm câu trả lời.

Đưa âm nhạc chất lượng đến khán giả trẻ

Chính bởi sự mai một cái đẹp trong thị hiếu âm nhạc của giới trẻ Việt hiện nay, việc định hướng phong cách nhạc cho họ là điều rất cần thiết. Nhận thức được điều đó, nhiều chương trình âm nhạc hay đã và đang được lên sóng, phần nào khơi dậy tinh thần dân tộc, giáo dục âm nhạc truyền thống cũng như định hình lại phong cách âm nhạc cho khán giả yêu nhạc, nhất là thế hệ trẻ. Có thể kể đến các chương trình: Giai điệu tự hào, Sao mai điểm hẹn, Sing my song, Bài hát Việt… Qua các chương trình này, phần nào giúp các bạn trẻ nhận thức được giá trị của âm nhạc để thêm yêu gia đình, quê hương, đất nước qua từng giai điệu, lời ca.

Thế hệ trẻ là thế hệ tiếp nối truyền thống, âm nhạc dân tộc muốn đứng vững trong đời sống một phần cũng nhờ các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ yêu nhạc cũng đã ý thức được trách nhiệm đó để nghe và sáng tác nhạc có sức nặng hơn. Ngoài các ca khúc mang chủ đề tình yêu thì vẫn có những ca khúc “hit” được sáng tác từ chính các bạn trẻ Việt. Có thể kể đến ca khúc “Việt Nam ơi”, được khán giả gọi là “bài hát quốc dân”. Bài hát đã  khơi niềm tự hào chiến thắng của người dân Việt Nam, gắn liền với những trận thắng huy hoàng trên sân cỏ. Tác giả của bài hát là một chàng trai có tên Minh Beta còn khá trẻ nhưng có nhận thức chính trị tốt. Anh từng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Mục đích khi sáng tác là để truyền tải năng lượng tích cực tới mọi người. Tôi nghĩ nó đã làm được sứ mệnh đó”.

Để âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ nhiều hơn, việc cần làm là phải giáo dục từ trong nhà trường, gia đình, từ các buổi sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư. Các chương trình, cuộc thi hát về nhạc truyền thống cũng rất cần thiết để khơi dậy nhiệt huyết trong mỗi em. Mới đây, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về thanh niên Việt Nam chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019-2024. Đó là một cách làm hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống trong thanh niên. Bên cạnh đó, còn có dân ca của các vùng, miền nên cần tổ chức các câu lạc bộ dân ca để thế hệ trẻ có trách nhiệm lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp nhằm đánh giá, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ca khúc mới trước khi đưa đến công chúng; chú trọng khâu kiểm duyệt để sàng lọc và đào thải những tác phẩm âm nhạc chất lượng kém, nội dung không lành mạnh. Bên cạnh đó, chúng ta cần tôn vinh kịp thời các ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc và có giải pháp đưa âm nhạc bác học đến gần hơn với công chúng nhằm nâng cao thị hiếu âm nhạc của giới trẻ ngày nay.

 

Bài và ảnh: LÊ CÚC
Nguồn: qdnd.vn