Chế tác violin ở Cremona: Dưới bóng những bậc thầy

Chế tác violin ở Cremona: Dưới bóng những bậc thầy

Anh Thư tổng hợp

Làm việc dưới cái bóng của những bậc thầy vĩ đại, các nghệ nhân làm đàn violin ở Cremona (Ý) đang tìm mọi cách bảo tồn nét đặc trưng của mình – những cây đàn được chế tác thủ công có thể tạo ra thứ âm thanh tuyệt diệu, bất chấp thị trường xuất khẩu đàn đang ngày càng thu hẹp và sự xuất hiện tràn lan của các loại nhạc cụ giá rẻ.


Stefano Conia, nghệ nhân cao tuổi nhất Cremona, nói “Nếu tôi không còn làm violin, cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô nghĩa”. Nguồn: AP

Cremona là một thành phố nhỏ, xinh xắn, lâu đời, yên bình ở Thung lũng Po màu mỡ của Ý. Không có loại rượu vang đặc trưng. Không có trường đại học nổi tiếng. Không có danh thắng phải xem. Nơi đây tĩnh lặng và yên bình.

Nhưng với người chơi nhạc, Cremona là thánh đường. Thành phố quê hương của cây đàn Stradivarius chỉ cách Milan hơn một giờ đi tàu này thực sự là một giấc mơ đối với những người chơi đàn từ khắp nơi trên thế giới. Tại Cremona, các xưởng chế tác đàn violin hiện hữu ở khắp mọi nơi. Hơn 160 nghệ nhân vẫn đang miệt mài chế tác violin mỗi ngày. Lang thang trên những con phố hẹp quanh quảng trường Piazza del Comune, bạn có thể ngắm nhìn các nghệ nhân qua các ô cửa sổ. Nếu họ không bận rộn, cũng như đang vui vẻ, một số người có thể mời bạn vào trong để ngắm nhìn những cây đàn.

Xưởng làm việc của Stefano Conia — chỉ là một trong số 160 xưởng ở thành phố 70.000 dân phía Bắc nước Ý này — đã không thay đổi trong nhiều thập kỷ. Khu xưởng tọa lạc phía sau một vườn hoa nhỏ, và người đàn ông gốc Hungary này, một trong những người sáng lập ra những xưởng sản xuất violin Cremona, vẫn cần mẫn làm việc mỗi ngày, bất chấp 10 năm trước ông đã tuyên bố rằng đã đến lúc mình cần nghỉ hưu. “Nếu tôi không còn làm violin, cuộc sống của tôi sẽ trở nên vô nghĩa. Mỗi ngày tôi chỉ quanh quẩn trong xưởng. Đó là một liều thuốc bổ cho tuổi già,” Conia mỉm cười. Ông đã 74 tuổi, nhiều năm về trước, cha ông là nghệ nhân chế tác violin, và giờ đây con trai ông cũng nối nghiệp truyền thống gia đình.

Bàn làm việc của ông và con trai đặt đối diện nhau. Trên mặt bàn của hai người phủ đầy những chiếc giũa, kẹp cố định, com-pa, cọ và cưa nhỏ. Còn ván gỗ thì được đặt dưới sàn nhà. “Tôi đến với công việc này như một lẽ dĩ nhiên”, Stefano, con trai của Conia chia sẻ. Anh thường được gọi là “đứa bé con”, bởi anh đã bắt đầu tập tành sử dụng các loại công cụ này khi mới bảy, tám tuổi. Cha anh mở phân xưởng nhỏ này vào năm 1972. Hai năm sau đó anh ra đời, anh đã dành cả thời thơ ấu của mình tại nơi đây. “Tôi được thỏa thích chơi đùa với gỗ, còn những người nhạc sĩ đến đây để mua đàn và chơi một bản nhạc”, Stefano kể. “Chúng tôi đều ‘chơi’ theo những cách khác nhau. Tôi thích bầu không khí đặc biệt đó.”

“Nhạc cụ cũng giống như trẻ con. Năng lượng mà ta mang lại sẽ nuôi dưỡng sự sống của chúng, và phần năng lượng ấy vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa, ngay cả khi chúng ta qua đời.” Stefano Conia, nghệ nhân làm đàn.

Đối với hai cha con nhà Conia, những cây đàn violin tuyệt diệu được làm từ gỗ phong hoặc gỗ vân sam này không đơn thuần chỉ là nhạc cụ, mà chúng đã trở thành một phần của gia đình. “Nhạc cụ cũng giống như trẻ con. Năng lượng mà ta mang lại sẽ nuôi dưỡng sự sống của chúng, và phần năng lượng ấy vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa, ngay cả khi chúng ta qua đời.” Stefano Conia chia sẻ.

Cái nôi sản xuất violin

Cũng giống như nhà Conia, phần lớn nghệ nhân ở Cremona là những người nước ngoài. Nhiều người đã học trường Quốc tế Chế tác Violin, vốn “được thành lập vào năm 1938, những giáo viên đầu tiên đều là người nước ngoài, còn học sinh thì đến từ khắp nơi trên thế giới. Người ta thường nói ‘Bụt chùa nhà không thiêng’, câu này hoàn toàn đúng với chúng tôi. Ở Cremona, có rất ít nghệ nhân làm đàn là người bản xứ”, Marco Nolli, 55 tuổi, một trong những nghệ nhân bản xứ hiếm hoi, cho biết. Một phần ba nghệ nhân làm đàn violin ở nơi đây là người Ý, nhưng chỉ 10% trong số đó sinh ra tại Cremona.

Benedicte Friedmann là một người phụ nữ Pháp 45 tuổi, cô đã sinh sống và làm việc tại ‘cái nôi sản xuất violin’ khoảng 20 năm trở lại đây. “Nghe có vẻ hơi tự phụ, nhưng việc đến Cremona cũng giống như đang nối gót những người vĩ đại nhất, Stradivarius, Guarneri, Amati,” cô liệt kê tên của những nghệ nhân đáng kính nhất thành phố trong nhiều thế kỷ qua. “Trở thành một nghệ nhân ở đây đồng nghĩa với việc có thể cống hiến 100% cho việc tạo ra các nhạc cụ. Và càng làm nhiều, tay nghề chúng ta sẽ càng tốt hơn”.

Nhưng giấc mơ Cremona không chỉ toàn màu hồng. Vào khoảng những năm 1960-1980, nghề làm đàn ở Cremona cực kỳ hưng thịnh; cho đến những năm sau đó mọi thứ dần trở nên khó khăn hơn. “Đàn của chúng tôi nằm ở phân khúc cao cấp, nhưng thị trường này đang dần thu hẹp. Chúng tôi đang đối mặt với một bài toán khó”, Giorgio Grisales, chủ tịch Hội Nghệ nhân, cho biết.

Những buổi trình diễn âm nhạc ngày càng ít đi. Thêm vào đó, các nghệ sĩ violin xuất sắc có khuynh hướng yêu thích các cây đàn cổ từ thế kỷ 18 đến 19 hơn. “Một ngành sản xuất hướng đến thị trường ngách – tạo ra sản phẩm tập trung vào một phân khúc khách hàng cụ thể – như chúng tôi sẽ không thể có chỗ đứng”, ông nói.

Ngay cả trước khi coronavirus quét qua miền Bắc nước Ý, “chúng tôi đã phải chật vật xoay sở với sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc và Đông Âu”, Grisales cho biết.


Cremona, quê hương của những cây đàn Stradivarius, ngày nay là phòng thí nghiệm của các nghệ nhân làm đàn khắp thế giới. Nguồn: AP

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, Trung Quốc là nhà sản xuất vĩ cầm hàng đầu thế giới với lượng đàn xuất khẩu đạt 77,8 triệu USD trong năm 2019, tương đương 1,5 triệu nhạc cụ, chiếm hơn một nửa thị trường toàn cầu. Ý đứng ở vị trí thứ năm, chiếm 4,6% thị trường xuất khẩu của thế giới, xếp sau Anh và Đức nhưng trước Pháp. Khách hàng chính của Ý là Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Chế tác thủ công

Chưa dừng lại ở đó, các nghệ nhân người Ý còn phải ‘đau đầu’ trước tình trạng nhạc cụ giả tràn lan trên thị trường. Chúng được chế tạo ở nơi khác nhưng lại gắn mác “đàn Cremona”. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là sự cạnh tranh đến từ các loại đàn violin giá rẻ. “Để sở hữu loại nhạc cụ cao cấp, người mua cần bỏ ra tối thiểu 25.000 euro (28.000 USD)”, Grisales nói. Trong khi đó chỉ với 200 euro trở xuống, bạn vẫn có thể mua một cây violin, vỉ và hộp đựng của Trung Quốc. “Đó là những loại nhạc cụ công nghiệp, được sản xuất hàng loạt và dành cho những người mới bắt đầu”, nghệ sĩ violin baroque Fabrizio Longo giải thích.

Friedmann cho rằng quá trình tạo ra một cây violin ở Trung Quốc rất khác so với phương pháp chế tác thủ công mà cô và các nghệ nhân ở Cremona hướng đến. “Có thể chúng cũng được làm thủ công, nhưng mỗi ngày có 10 người cùng làm một phân đoạn sản xuất bộ phận violin. Đây là kiểu công việc theo chuỗi, và kết quả là chúng ta có được một sản phẩm lắp ráp”, cô nói. “Không hề độc đáo, cũng chẳng uy tín.”

Ở Cremona, chủ tịch Hội nghệ nhân Grisales cho biết, phải mất ít nhất 300 giờ để tạo ra được một cây violin. Nói cách khác, trong vòng hai đến ba tháng người nghệ nhân chỉ làm ra một cây đàn.

Edgar Russ, một nghệ nhân người Áo đến Cremona từ năm 1984, cho rằng rất khó để kiếm sống nếu chỉ chế tác những nhạc cụ cao cấp, và các nghệ nhân sản xuất violin của thành phố cần thay đổi. Russ hướng đến nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, một mô hình mà ông cho rằng nhiều nghệ nhân ở Cremona sẽ không đồng tình. Nhưng ông tin rằng đây là cách để đảm bảo các xưởng chế tác violin ở nơi đây vẫn còn có thể phát triển trong một thời gian dài.

Phân xưởng của ông có đầy đủ từ phiên bản violin cho người mới bắt đầu đến phiên bản “Linea Macchi” có mức giá vừa phải dành cho người chơi chuyên nghiệp. Mỗi năm, ông vẫn sản xuất thủ công một số nhạc cụ cao cấp – chỉ có dòng cao cấp mới được ông chế tác bằng tay từ đầu đến cuối. “Đây mới là đam mê thực sự của tôi. Tôi cảm thấy hân hoan khi tạo ra một thứ gì đó thủ công – dẫu biết là không đều tăm tắp như sản xuất công nghiệp. Đó là loại đàn mà ngay cả khi bạn không chơi nhạc, bạn vẫn thích cầm nó trên tay. Thật tuyệt khi nhìn ngắm nó, nó tượng trưng cho tính cách, khả năng, và sự khéo léo của bạn.” Và hơn hết, “nó tạo ra một thứ âm thanh tuyệt diệu.”

Bên cạnh đó, một thách thức khác đối với các nghệ nhân Cremona, đó là phải trở nên nổi bật giữa một dàn những nghệ nhân khác tại đây. “Phải trải qua gian nan thì mới có chút tiếng tăm”, Friedmann cho biết, không dễ để giành được đơn hàng. Một số thợ làm đàn sẽ thâm nhập vào thị trường chợ đen để trốn thuế, từ đó đưa ra được mức giá thấp hơn so với những nghệ nhân khác.

Bất chấp những khó khăn này, với Friedmann, niềm đam mê của những nghệ nhân sản xuất violin ở Cremona đã tạo nên một bầu không khí cạnh tranh lành mạnh, một ‘cuộc chiến ngầm’ để xác định ai là người thợ giỏi hơn. “Khi tôi tự hỏi đâu là cây đàn tuyệt diệu nhất mình từng tạo ra, với tôi, câu trả lời luôn là cây đàn tiếp theo…” □

Anh Thư tổng hợp

https://www.reuters.com/article/us-italy-violins/italys-violin-makers-struggle-to-hit-profitable-note-idUSKCN0Y322

https://phys.org/news/2020-06-violin-makers-tune-tradition-stradivarius-italy.html

 

Nguồn: tiasang.co.vn